Ngày 5/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đến dự và phát biểu tại Lễ Khai khóa năm học 2019-2020 của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. Hồ Chí Minh.
Cùng tham dự buổi lễ còn có, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo của các Bộ: GD&ĐT, KH&ĐT, Nội vụ, KH&CN, Y tế, Văn phòng Chính phủ,… lãnh đạo của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân của các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ, các doanh nghiệp và thầy, trò ĐHQG TP. Hồ Chí Minh..…
ĐHQG TP. Hồ Chí Minh luôn được xếp trong tốp 150 trường tốt nhất châu Á
ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là một hệ thống bao gồm 36 đơn vị, trong đó có 7 trường đại học, 1 viện nghiên cứu, 1 phân hiệu tại tỉnh Bến Tre, 2 khoa trực thuộc và 25 đơn vị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ. Đơn vị hiện có hơn 6.000 cán bộ viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư và người lao động với gần 1.300 tiến sĩ, gần 400 giáo sư, phó giáo sư.
Tính đến tháng 4/2019, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế với tổng cộng 60 chương trình được đánh giá và công nhận đạt chuẩn, gồm: 49 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chiếm gần 50% số chương trình đạt chuẩn AUN-QA trên cả nước), 7 chương trình chất lượng cao Việt Nam – Pháp đạt chuẩn kiểm định CTI, 2 chương trình đạt chuẩn FIBAA và ACBSP và 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ.
Về xếp hạng, từ năm 2013 đến nay, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh luôn được xếp trong tốp 150 trường tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS Asia và trong nhóm 701-750 đại học tốt nhất thế giới theo QS World năm 2018 và 2019. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh lọt vào tốp 1.000 đại học tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education, Anh quốc. Tháng 9/2019, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đứng trong tốp 301 – 500 các trường đại học có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS GER.
ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là một trong các đơn vị trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến cho các văn kiện, tài liệu của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ, như đóng góp ý kiến cho Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; thực hiện 5 nhiệm vụ theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu các chuyên đề phục vụ xây dựng chiến lược 10 năm (2021-2030) và kế hoạch 5 năm (2021-2025); thực hiện các chuyên đề nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương,...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai khóa. (Ảnh: Chi Mai) |
Phát biểu tại lễ khai khóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã đạt được thời gian qua, như đã tiên phong triển khai thí điểm các mô hình công nghệ mới trong giáo dục đào tạo, góp phần đổi mới giáo dục đại học, phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Trường đã từng bước chuẩn hóa, phát triển các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Nhiều giảng viên đã đạt thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giành được các giải thưởng lớn có uy tín trong nước và thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ mong muốn thầy cô giáo, các nhà khoa học và sinh viên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh phát huy hết tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, những khát khao khám phá để làm tốt vai trò đầu tàu đại học chất lượng cao. Sinh viên cần tận dụng hiệu quả thời gian, cơ hội để học tập, nghiên cứu tốt, có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thống nhất với định hướng của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là phấn đấu năm 2025 trở thành một trong những đại học hàng đầu châu Á; đồng thời tin tưởng ĐHQG TP. Hồ Chí Minh phát huy kết quả đạt được tiếp tục đạt nhiều thành công hơn nữa. Đặc biệt trường cần hướng tới mục tiêu nằm trong tốp 500 đại học hàng đầu thế giới và tốp 100 trường đại học hàng đầu châu Á.
“Tự chủ đại học không có nghĩa là “tự túc”, “tự bơi”
Phát biểu về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tự chủ đại học thể hiện ở ba khía cạnh đó là tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức bộ máy-nhân sự và tự chủ tài chính. Trên thực tế, tự chủ đại học ở nhiều trường, trong đó có ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, đã chứng tỏ tính ưu việt và mang lại sự chuyển biến tích cực, kết quả đào tạo được nâng lên. Nhưng các trường đại học phải hiểu cho đúng và dự báo được những tiêu cực có thể xảy ra để ngăn chặn ngay từ đầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích, tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.
Phó thủ tướng khẳng định quyền tự chủ đại học càng cao, chất lượng càng được nâng lên, các nước phát triển rất chú trọng điều này. Chủ trương tự chủ đại học được Nhà nước đặt ra từ những năm của thập niên 90, từng bước thăm dò, thử nghiệm và áp dụng từng phần rồi toàn diện.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh , đến nay, kết quả thực hiện tự chủ đại học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số trường mở ngành mới và quy mô của ngành ngày càng tăng. Số lượng nghiên cứu khoa học tăng lên nhiều, bình quân mỗi năm 500 đề tài và tăng gấp 3 lần hội thảo khoa học quốc tế với 120 hội thảo/năm/trường tự chủ. Cơ cấu lao động của trường tự chủ cũng thay đổi tích cực theo hướng tăng giảng viên, giảm lao động gián tiếp. Giảng viên chính, số lượng GS, PGS ở trường tự chủ tăng nhanh 9,2%/năm so với trường không tự chủ là mức tăng 3,2%/năm,…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh trống khai khóa. (Ảnh: Chi Mai) |
Phó Thủ tướng khẳng định, “Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt y tế và giáo dục ở vị trí tiền đạo mà chỉ nên ở vị trí tiền vệ”.Theo lý giải của Phó Thủ tướng, nếu để giáo dục, y tế “tự chủ” hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này.Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục đại học toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát sang Nhà nước giám sát.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên đạt ngưỡng thu nhập trung bình, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những thành quả đó, có phần đóng góp quan trọng của giáo dục nước nhà, mà gần gũi nhất là giáo dục đại học, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức, có trình độ, có công nghệ càng mang yếu tố quyết định.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, một trong những điểm sáng về giáo dục đại học Việt Nam trong những ngày vừa qua là các đại học của chúng ta đã có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới. Dù rằng các thứ hạng còn khiêm tốn nhưng đây là nguồn động viên to lớn với giáo dục nước nhà, cũng là động lực để các đại học Việt Nam tiếp tục bứt phá vươn lên. Tự chủ đại học là nền tảng và động lực mạnh mẽ cho sự bứt phá vươn lên này./.