Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy đã khảo sát một khối lượng tư liệu lớn, không chỉ là trên cơ sở bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành gồm 15 tập, mà còn khảo sát tư liệu ở nhiều cơ sở lưu trữ cấp Trung ương và địa phương. Với một phạm vi tư liệu lớn như vậy, cuốn sách chuyên khảo này bao quát rất nhiều vấn đề, tạo dựng một chân dung toàn cảnh về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sách chuyên khảo về “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” |
Sách chuyên khảo về “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” chia làm bốn chương, gồm:
Lúc 9h ngày 24/9 tại Đường sách TP.HCM, tác phẩm chuyên khảo về Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sẽ có buổi ra mắt độc giả với sự tham gia giao lưu của: Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, Ủy viên Hội đồng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TPHCM; Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM và các đồng chí, đồng nghiệp là giáo viên các trường THPT, THCS, giảng viên, sinh viên khoa Ngữ văn một số trường đại học và đông đảo văn nghệ sĩ.
Chương 1: “Những vấn đề chung” gồm giới thuyết về văn chính luận, từ định nghĩa đến ngôn từ, chức năng, tính thẩm mỹ đặc thù của văn chính luận, lịch sử nghiên cứu vấn đề, những cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu".
Chương 2: “Định vị di sản văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong dòng mạch văn chính luận dân tộc” khảo sát dòng văn chính luận thời trung đại, sang thế kỷ XIX, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả văn chính luận".
Chương 3: “Ý thức về đối tượng tiếp nhận và mục đích viết của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” đề cập đến các đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến khi viết văn chính luận, sự công khai mục đích viết và tinh thần cách mạng, giá trị nhân văn của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Chương 4: “Nghệ thuật tuyên truyền của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện cách viết như thế nào” nêu rõ quan niệm sử dụng ngôn từ, cũng như vấn đề tích hợp thể loại và hệ thống các biện pháp nghệ thuật của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Ngay ở đầu công trình chuyên khảo, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã dày công nghiên cứu, giải thích, lý giải về khái niệm văn chính luận thông qua những nguồn tài liệu đáng tin cậy. Xác định rõ khái niệm nghiên cứu chủ chốt và triển khai nghiên cứu dựa trên khái niệm ấy là một thao tác khoa học cẩn trọng và cần mẫn, tỉ mỉ của tác giả Phạm Thị Như Thúy.
Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy |
Tác giả cũng đã đúc kết được lịch sử vấn đề nghiên cứu văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam và trên thế giới. Qua đó người đọc thấy được nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới và ở Việt Nam đã lưu tâm nghiên cứu nhiều vấn đề xoay quanh văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS Lê Quang Hưng, nhà nghiên cứu giảng dạy văn học: “Từ trước đến nay vẫn chưa có một công trình mang tính bao quát nhất, nghiên cứu chung nhiều góc độ. Tác giả Phạm Thị Như Thúy đã cố gắng tiếp tục khẳng định một hướng nghiên cứu hiệu quả đối với di sản văn chính luận Hồ Chí Minh bằng cuốn sách chuyên khảo của mình và đã đạt được những thành công ban đầu. Với những nghiên cứu công phu, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã nêu bật được chân dung văn chương chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, thông qua một chuyên khảo có tính khoa học, có những đóng góp quý báu, có tính gợi mở vào việc nghiên cứu văn chương chính luận nói riêng và sự nghiệp văn học nói chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
“Trước tác của nhà cách mạng – người nghệ sĩ Hồ Chí Minh thật đồ sộ, đa dạng mà chắc rằng không ai dám khẳng định mình đã thấu hiểu hết. Trước mỗi bộ phận của sự nghiệp ấy, với từng góc nhìn khác nhau, lại sáng lên những nhận thức mới, bài học mới. Chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh của Phạm Thị Như Thúy là một tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực cho những người nghiên cứu, những người yêu mến sự nghiệp văn chương Hồ Chí Minh, cho những người làm công tác quản lí, tuyên truyền ở mọi lĩnh vực xã hội của chúng ta hiện nay“. PGS.TS Lê Quang Hưng, nhấn mạnh.
Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy còn được biết đến với bút danh Doãn Thụy Như, một nhà thơ, nhà khoa học, sinh năm 1971 tại Ba Vì, Hà Nội, từng có 20 năm đứng trên bục giảng dạy học bộ môn Ngữ văn ở các trường phổ thông tại TP.HCM. Hiện là Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM, Chuyên viên Phòng văn hóa, văn nghệ - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.