Không khí xuân tràn ngập trong từng hàng cây, góc phố. Ngày Tết cổ truyền đang đến rất gần, trong khi người người náo nức thu xếp về nhà sớm để chuẩn bị Tết cùng gia đình thì những du khách đến Việt Nam cũng đang đếm từng ngày để được hòa mình vào không khí Tết vui tươi, đầm ấm của người Việt.
Sinh viên nước ngoài thích thú gói bánh chưng Tết
Hàng chục sinh viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã tỏ ra rất thích thú tham gia màn gói bánh chưng Tết và các trò chơi dân gian của Việt Nam với người khuyết tật tại Hà Nội.
Sinh viên nước ngoài thích thú gói bánh chưng Tết |
Chương trình “Cánh bướm mùa xuân” diễn ra tại Trung tâm khuyết tật Vì ngày mai, Hà hôm 7-8/2 vừa qua không chỉ là dịp để kết nối tình thương gắn bó với người khuyết tật mà còn là cơ hội để các bạn sinh viên nước ngoài có những trải nghiệm thú vị với phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt.
Chương trình đã thu hút đông đảo các bạn trẻ là sinh viên, thanh niên tình nguyện Việt Nam và nước ngoài tham gia. Tại đây, các bạn trẻ được hòa mình cùng người khuyết tật vui các trò chơi đầy ý nghĩa như: Cùng nhau gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, cắt tỉa hoa, cùng nhau nhảy sạp…
Bạn Hyun Woo - sinh viên tình nguyện người Hàn Quốc - chia sẻ: “Tôi được trải nghiệm cùng các bạn thật thú vị, chúng tôi học cách gói bánh chưng, cách têm trầu, rồi làm bánh, xích lại gần nhau và đặc biệt là xóa đi mọi khoảng cách từ những phận người sinh ra thiếu may mắn”.
Lần đầu đón Tết cổ truyền Việt Nam
Lần đầu đón Tết Việt Nam, tự tay làm và thưởng thức những món ăn cổ truyền, chơi trò chơi dân gian, tìm hiểu về nền văn hóa mới lạ cùng sinh viên bản địa khiến du học sinh nước ngoài tại Việt Nam cảm thấy ấm áp như đón tết trên quê hương mình.
Các bạn sinh viên nước ngoài tham gia trò chơi |
Nurul A’gilah, du học sinh đến từ đất nước Brunei chia sẻ: "Ở Brunei chúng tôi có tết Hari Raya, cũng giống như các bạn, chúng tôi đi thăm người thân, bạn bè, họ hàng và nấu những món ăn cổ truyền. Khi thấy các bạn sinh viên đóng gói đồ, ai cũng muốn nhanh chóng trở về nhà đón tết đã làm cho tôi thấy nhớ gia đình và muốn về. Nhưng khi được tham gia ngày hội, được các bạn sinh viên ở đây tận tình hướng dẫn làm rất nhiều món ăn cổ truyền và chơi trò chơi dân gian, tôi cảm thấy ấm áp như đang đón tết ở nhà, xung quanh gia đình, bạn bè mình".
Uneh Kenn rất thích nặn tò he |
Uneh Kenn (sinh viên khoa quản trị kinh doanh Trường đại học FPT), thích thú kể: “Tôi sẽ đi khắp đất nước Việt Nam để khám phá nhiều hơn về đất nước và con người Việt Nam. Tôi muốn được đón tết ở khắp nơi để cảm nhận ngày tết cổ truyền Việt Nam ở từng vùng miền như thế nào. Hẳn đó sẽ là một chuyến trải nghiệm thú vị ”.
May mắn vì đến Việt Nam đúng dịp Tết cổ truyền
Adriana và Gabriella, hai du khách đến từ đất nước Argentina, cho biết họ cảm thấy rất may mắn khi đến Việt Nam vào đúng thời điểm này, và nhất định sẽ ở lại cảm nhận hương vị Tết cổ truyền Việt Nam.
Andrea và Evelin |
Còn Andrea và Evelin, hai du khách người Thụy Sĩ thì chia sẻ: “Mình cảm thấy không khí người dân chuẩn bị Tết rất náo nhiệt. Mọi người ra đường mua sắm nhộn nhịp, và tắc đường nhiều quá. Bọn mình vừa trở ra từ phố Hàng Mã, những đồ trang trí Tết ở đó rực rỡ sắc đỏ tượng trưng cho may mắn khiến mình cảm nhận được một năm mới an lành đang đến gần".
Những vị khách lâu năm
Wael Almulla, quốc tịch Iraq, chủ nhà hàng Dragon Fly, người đã sống ở Việt Nam khá lâu chia sẻ: "Ngày Tết ở Iraq và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, trẻ con được nhận tiền mừng tuổi rồi được mua sắm quần áo mới để đi thăm bạn bè, họ hàng. Tôi rất thích Tết Việt vì có pháo hoa. Ở đất nước chúng tôi người ta chẳng bao giờ bắn pháo hoa vào những dịp đó. Tôi và bạn bè thường ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục này".
Wael Almulla |
Renaat Paul Elza De Meuleunaer, quốc tịch Hà Lan, giáo viên tiếng Anh tại trường quốc tế Raffles, lại có trải nghiệm hoàn toàn khác. Anh nói: "Tôi đã sống ở Việt Nam 4 năm, nhưng chưa năm nào ăn Tết ở Hà Nội. Cứ ngày Tết là cả nhà tôi kéo nhau đi nghỉ. Năm đầu tiên, tôi và hơn 20 đồng nghiệp lên Sapa ăn Tết. Không khí vui như… Tết. Chúng tôi còn leo lên Phanxipang nữa. Năm trước thì cả nhà tôi đi Nha Trang, Đà Lạt. Giao thừa, rồi ngày Tết, trên các bãi biển vẫn đông nghịt người, hình như không yên tĩnh giống Hà Nội. Nhưng Đà Lạt mới thực sự là nhộn nhịp. Tôi thích không khí Tết ở đó".
Xem thêm:
- Những quốc gia đón Tết Nguyên Đán giống Việt Nam
- Du học sinh Việt tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền 2015
- Người Việt năm châu nô nức chuẩn bị đón Tết Ất Mùi 2015
- 10 món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân Châu Á