Sách giáo khoa đã đạt mục tiêu đa dạng hóa, nhưng còn 'sạn'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Viện biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã thu hút sự tham gia của 5 nhà xuất bản, ba công ty với gần 1.600 tác giả viết sách.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đa dạng với nhiều bộ sách khác nhau. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đa dạng với nhiều bộ sách khác nhau. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bước sang năm thứ ba triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì chỉ có một bộ sách duy nhất, hiện học sinh và các nhà trường đã có nhiều sách để lựa chọn phù hợp với đặc thù đào tạo của đơn vị mình.

Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được mục tiêu đề ra khi có nhiều bộ sách, chất lượng sách giáo khoa tăng lên về hình thức, phong phú hơn về nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai.

Đây là những nội dung đã được chỉ ra tại Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 29/9, tại Hà Nội.

Gần 1.600 tác giả biên soạn sách

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị, chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn sách.

Cụ thể, có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp, bao gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế. Có ba tổ chức biên soạn sách giáo khoa, gồm Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam VPBOX, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam VEPIC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuất bản Giáo dục Việt Nam VICTORIA.

Việc biên soạn sách đã thu hút đông đảo đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín, có kinh nghiệm thực tế và năng lực đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia. Trong đó có nhiều tác giả là tổng chủ biên, chủ biên và thành viên biên soạn chương trình giáo dục phổ thông 2018; tham gia biên soạn, bồi dưỡng các module triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sách giáo khoa đã đạt mục tiêu đa dạng hóa, nhưng còn 'sạn' ảnh 1
Số các tác giả tham gia viết sách giáo khoa chia theo các lớp.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp. Trong đó lớp 1 có 221 tác giả; lớp 2 có 199 tác giả; lớp 3 có 234 tác giả; lớp 6 có 276 tác giả; lớp 7 có 318 tác giả; lớp 10 có 382 tác giả. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn sách có trình độ từ tiến sỹ trở lên.

Quy trình biên soạn gồm 5 bước theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có yêu cầu dạy thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý của các giáo viên, cơ sở giáo dục. Các sách giáo khoa phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí, được cụ thể hóa thành 40 chỉ báo nhằm bảo đảm cho tổ chức, cá nhân biên soạn các bản mẫu sách giáo khoa khác nhau có ý tưởng thể hiện khác nhau nhưng đều đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sách giáo khóa đã có những sáng tạo riêng trong cách thức trình bày, thể hiện nội dung đối với cùng một yêu cầu cần đạt trong Chương trình môn học/hoạt động giáo dục. Các sách giáo khoa khác nhau lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh khác nhau, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá được lựa chọn khác nhau làm đa dạng các bộ sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các địa phương với sự khác biệt đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá.

Vẫn còn những hạn chế

Việc xã hội hóa sách giáo khoa đã đạt được mục tiêu đa dạng hóa với các bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn vẫn còn những hạn chế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra tại hội thảo.

Đó là tình trạng một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu sách giáo khoa chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu sách trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các sách giáo khoa khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu sách còn hạn chế. Trong đó, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh…

Sách giáo khoa đã đạt mục tiêu đa dạng hóa, nhưng còn 'sạn' ảnh 2
Các sách giáo khoa mới đều có phiên bản điện tử. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi sách được đưa vào sử dụng. Việc thẩm định sách phải thực hiện qua nhiều vòng, nhiều đợt dẫn đến việc phê duyệt danh mục sách còn chậm gây khó khăn trong việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Trong việc lựa chọn sách cũng còn những bất cập khi thực tiễn thanh tra, kiểm tra của bộ tại một số địa phương cho thấy thời gian ban hành quyết định danh mục sách được lựa chọn chậm, muộn so với quy định. Việc thông báo nhu cầu số lượng sách theo các môn học của các địa phương chậm muộn, dẫn đến bị động cho các nhà xuất bản trong việc cung ứng sách trước thềm năm học mới.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn sách; tăng cường công tác thực nghiệm sách giáo khoa, khai thác góp ý sau thực nghiệm, xin ý kiến nội bộ để tăng cường chất lượng bản sách mẫu; bảo đảm sách giáo khoa tinh giản tối đa kênh chữ, kênh hình, khai thác hiệu quả hình ảnh và ngữ liệu để đảm bảo hiệu quả bài học và giảm giá thành sách giáo khoa.

Bên cạnh đó là việc đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt sách, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.

Bộ cũng đề cập đến giải pháp tăng cường trang bị sách giáo khoa, sách tham khảo cho các thư viện trường học, đảm bảo giáo viên, học sinh có đủ sách giáo khoa, tài liệu để tham khảo trong quá trình dạy và học; huy động tận dụng, tái sử dụng sách giáo khoa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.