Theo quan sát của phóng viên, công trình vẫn đang thi công nhưng ở tiến độ rất chậm, trong sự “im lặng” khó hiểu của các cơ quan chức năng.
Vi phạm thi công, liên tục dừng vì thiếu vốn
Dự án Cầu vượt Dầu Giây dự chi hơn 300 tỷ, vượt ngã tư Dầu Giây, có chiều dài khoảng 900m với 9 trụ mố cầu, rộng 16m, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng Công ty BT 20 Cửu Long là đơn vị thi công
Cầu được khởi công vào ngày 12/2/2017 khi chưa bàn giao đủ 50% mặt bằng để thi công nên dự án liên tục bị đình trệ.
Đến cuối năm 2019 mặt bằng được bàn giao hơn 80% và đến tháng 4/2020 mặt bằng thi công được giao đủ, lúc ấy công trình đã thi công được 60% khối lượng công việc.
Người dân trông chờ vào hứa hẹn sau 6-8 tháng sẽ xong cầu. Thế nhưng chỉ 3 tháng sau khi nhận đủ mặt bằng, đơn vị thi công đào xới và bỏ đó làm người dân bít lối ra vào, đơn vị thi công tuyên bố không có tiền để thi công.
Từ thông tin mà phóng viên Tạp chí Ngày Nay liên tục phản ánh về hiện trạng công trình, thay mặt Bộ GTVT là Ban QLDA 7 nhiều lần hứa sẽ hoàn thành trong 6 tháng tới, rồi 3 tháng tới và gần đây nhất là hứa sẽ cho lưu thông trên cầu trước ngày 30/12/2021.
Nhiều hiểm nguy tại công trình cầu vượt Dầu Giây. Ảnh: Xuân Thời |
Tuy nhiên, trên công trường người dân ngao ngán nhìn các công nhân thi công chậm chạp, chỉ vài xe cuốc đào, một máy ép trụ dầm và chưa đến 10 người tại công trường thi công kiểu… đối phó. Thời gian gần đây có thêm khoảng 5 xe được điều đến thi công công trình.
Một công trường với máy móc thô sơ không che chắn hay cảnh báo công trường với dòng phương tiện trên QL 1A luôn đông đúc. Người dân ngao ngán trả lời khi ai hỏi cầu khi nào xong: “Cầu Cụ rùa mà, tháng 12 năm tới chứ không biết năm nào”.
Nhiều lần gián tiếp gây tai nạn chết người
Dự án thi công trong 18 tháng, nhưng đến nay đã 4 năm 9 tháng vẫn còn… hứa hẹn. Trong các cuộc họp dân để thương lượng việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư hứa sau khi bàn giao mặt bằng sẽ khởi công trong 6-8 tháng là xong, vậy mà từ tháng 4 năm 2020 đến nay hơn 1 năm rưỡi vẫn chưa xong. Khiến giao thông luôn ùn ứ và người dân ven công trình phải đóng cửa kinh doanh hoặc mở cửa nhưng không thể mua bán được gì.
Không thể tin được một công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư mà không có tiền trả cho công nhân và mua dầu cho xe thi công; một lý do không thuyết phục. Kẹt xe nối đuôi nhiều cây số mỗi chiều, hàng đoàn mô tô bám dưới bánh xe tải để vượt lên, những hỗn loạn giao thông diễn ra hàng ngày trong khói bụi khi qua ngã tư Dầu Giây. Trì trệ giao thông là thiệt hại kinh tế không lường hết, nhưng trễ hẹn 3 năm, lúc nào đoàn xe cũng nối đuôi và công trường vẫn thi công ì ạch.
Phân làn đường không rõ ràng, đèn báo không đủ, nơi tối nhiều hơn sáng, mặt đường đầy hố sâu lòi lõm. Các hệ thống chiếu sáng lu mờ làm người dân đi qua ngã tư Dầu Giây như vào ma trận; ai lạ đường là không biết đi làn nào; đây là những nguyên nhân dẫn đến thương vong nhiều do va chạm giữa các xe. Những tiếng khóc, những cơ thể được xe tang mang đi để tự lo hậu sự; người dân ai cũng oán trách công trình có quá nhiều tắc trách.
Có ngày đến 4-5 vụ tai nạn vì rơi ổ gà, như vụ ngày 4/3/2021, người cha chở con trai đi học về qua ngã tư, xe mô tô loạn choạng vì ổ gà đã va quẹt với xe tải cùng chiều nên ngã xuống. Người cha ẵm con trai mình chạy đến bệnh viện, dù đứa trẻ đả tử vong ngay khi xe tải cán qua.
Tại ngã tư mặt đường gồ ghề và không vẽ phân làn nên chỉ trong 3 tháng giãn cách xã hội, đã có 2 người ngã vào bánh xe và 2 người rơi vào điểm mù bị xe container cán. Nhiều mũi tên trắng vẽ dưới đường hướng dẫn người dân đi vào… đối đầu nhau hoặc đâm thẳng vào dải phân cách.
Nhiều vụ tai nạn vì mặt đường gồ ghề. Ảnh: Xuân Thời |
Thấy quá nguy hiểm, phóng viên đã nhiều lần gọi báo cho Thanh tra giao thông về những tắc trách, bất cập, nguy hiểm trên nhưng vẫn không có gì cải thiện và những lần sửa chữa tạm như đối phó với dư luận.
Gần đây nhất, đêm 29/10, một xe tải tông ụ bê tông của dải phân cách cứng (để phân làn đường Bắc – Nam cong vào đường tránh công trình thi công cầu) làm 2 khối bê tông đen xì văng sang nằm ngang QL1A chắn hướng ngược lại suốt ngày, đến đêm 30 thấy nguy hiểm nên phóng viên phải báo cho Cục 4 Cục GTVT, thì 23g đêm ấy đơn vị thi công mới đến đưa khối bê tông về vị trí cũ; họ vẫn không sơn lại phản quang hay gắn thêm đèn cảnh báo.
Trước đó, đêm 27/11 ông Nguyễn Hồng Hiếu trên đường về nhà ở An Viễn, Trảng Bom đã tông vào các khối bê tông này tử vong; nơi đây đã có 3 người chết và hàng chục vụ tự tông vào dải phân cách thiếu đèn và cảnh báo này trong năm 2020-2021.
Sau vụ tông vào dải phân cách tử vong tối ngày 27/11, Bí thư Huyện uỷ Thống Nhất nói sẽ chỉ đạo xử lý ngay. Ghi nhận tối ngày 19/11 trên các khối bê tông nguy hiểm có gắn 2 đèn chớp và dọc đường bên phải gắn thêm vài cái bóng đèn led thắp sáng vừa đủ soi mặt đường. Mối nguy hiểm lại tiếp tục được chắp vá.
“Yêu cầu xử lí hình sự”
Dư luận từ lâu đặt câu hỏi tại sao một dự án gây nhiều thiệt hại về người và kinh tế như vậy mà vẫn cứ “rùa bò” gần 5 năm? Đặc biệt, các vụ chết người được Công an huyện Thống Nhất xác định là do thi công không bảo đảm an toàn, hiện trạng nhiều cái chết thương tâm mà nguyên nhân là do không đèn và mặt đường ổ gà, ổ voi khắp nơi.
Tại cuộc họp ngày 25/11/2020, Phó Công an huyện Thống Nhất Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh nói: “Con số 14 người tử vong và hàng chục xe ô tô hư hỏng nặng, nguyên nhân là từ việc thi công không bảo đảm an toàn”.
Đến nay con số tăng lên 18 người tử vong sau 1 năm, nhưng không có gì thay đổi để bảo đảm an toàn cho người sống đi qua cây cầu ấy để về nhà… Nhiều Luật sư được hỏi đều nói người thiệt hại không khởi kiện nhưng với thiệt hại như vậy thì cơ quan chức năng phải đề nghị Công an vào cuộc để xử lý trách nhiệm hình sự.
Tiến độ thi công cầu vượt Dầu Giây rất... "rùa bò". Ảnh: Xuân Thời |
Luật sư Phạm Quốc Vượng, Công ty Luật Bùi Gia Nên TP.HCM nói: “Rất rõ ràng sai phạm về năng lực của đơn vị thi công. Đúng ra chủ đầu tư phải huỷ thầu và tìm người thầu mới, chứ phạt mãi không sợ mà cứ để vậy là sai luật rất nhiều. Thiệt hại nhân mạng đâu chỉ phải có kiện tụng mới khởi tố, ở đây không phải vài người mà cả chục mạng người”.
Luật sư nói tiếp: “Tại điều 47 Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ về thi công phải án toàn tuyệt đối. Đặc biệt tại khoản 4 ghi rõ, trách nhiệm trước quy định của pháp luật về thi công gây thiệt hại cho người và môi trường”.
Khi phóng viên thông báo các tắc trách và chết chóc tại cầu vượt Dầu Giây vào sáng ngày 28/11 cho Trưởng Chi cục 4.2 Cục GTVT 4 và có đề cập xử lý hình sự, ông Kiều Vũ Hiệp nói: “Chúng tôi đã phạt hành chính về thi công không an toàn nhiều lần rồi nhưng đơn vị thi công không có gì thay đổi. Qua đầu tuần chúng tôi sẽ mời các bên họp và mời Công an dự để yêu cầu xử lý hình sự như anh nói.”.