Quyết định tạm rút tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của ông Trump hôm thứ Ba 15/4 vừa qua có lẽ sẽ phá vỡ sự vờ vịt của lãnh đạo cơ quan này – một tổ chức đã mặc định nguồn tài trợ của Hoa Kỳ là một lẽ đương nhiên mà không biết trân trọng. Trong khi Hoa Kỳ điều tra về sự thất bại trong chiến lược phòng chống dịch Covid-19 với năng lực xuống cấp của WHO, Nhà Trắng có thể vạch ra một con đường để Tổ chức Y tế Thế giới lấy lại sự tín nhiệm của Mỹ.
“WHO đã thất bại ngay trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và họ phải chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Trump khẳng định như vậy khi quyết định tạm ngừng tài trợ của Mỹ cho WHO trong vòng 60-90 ngày tới. Ông nói thêm rằng nếu cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ của mình thì đã có thể cứu được hàng ngàn sinh mạng và tránh thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Tổng thống không hề cường điệu.
Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, lãnh đạo WHO đã để những quyết định khuyến cáo về sức khỏe cộng đồng của mình, vốn lẽ ra không được thiên vị, lại nhuốm màu của những toan tính chính trị. Các quyết định phản đối những lệnh phong tỏa đường bay quốc tế từ sớm, hoặc trì hoãn việc tuyên bố “tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng” là đặc biệt nguy hiểm chết người. Thay vì đòi hỏi sự minh bạch hơn từ Bắc Kinh (nơi đã cung cấp các dữ liệu đáng ngờ và trừng phạt những người dân Trung Quốc dám nói sự thật), các quan chức của WHO chỉ biết lặp lại những gì Trung Quốc công bố.
Đại dịch coronavirus đã phơi bày quá trình tuyên bố các trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới là rất dễ bị chính trị hóa, đồng thời vai trò của họ trong sứ mệnh toàn cầu cũng bị suy giảm vì đã phớt lờ những khuyến cáo sớm của các quốc gia đầy trách nhiệm như Đài Loan. Tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus của WHO đã cho thấy một vai trò hàng đầu thế giới lại có thể bị lạm dụng dễ dàng như thế nào, và chính quyền TT Trump nên yêu cầu vai trò của Tổ chức này càng phải được giới hạn lại đối với các chức năng đòi hỏi năng lực kỹ trị cao hơn.
Đảng Dân chủ và nhiều báo chí đang cáo buộc ông Trump cố gắng đánh lạc hướng những sai lầm của chính quyền của mình trong việc ứng phó trước đại dịch bằng cách tấn công WHO. Nhà Trắng có những sai sót được báo chí đưa tin rầm rộ, nhưng điều đó cũng không giúp miễn trừ trách nhiệm cho tổ chức thuộc LHQ này. Có thể phê phán Tổng thống mà không nhằm bảo vệ cho WHO cũng như việc cơ quan này bảo vệ cho Đảng CS Trung Quốc.
Một chất vấn hợp lý hơn là liệu rút tiền tài trợ trong bối cảnh đại dịch có lợi bất cập hại hay không. Theo một số ước tính thì chỉ có khoảng 15% ngân sách của WHO được dành cho việc ứng phó với đại dịch. Sau khi TS. Tedros phủ nhận sự chỉ trích của ông Trump hồi tuần trước, thì việc rút tiền tài trợ của Mỹ có thể còn giúp cho dàn lãnh đạo chóp bu của tổ chức này tập trung tâm trí hơn vào sự nghiệp chống dịch, chứ không phải gây khó khăn cho công tác mà họ đang thực hiện.
Còn đối với câu hỏi về thẩm quyền quyết định rút tài trợ, thì Tổng thống cũng không thể kết thúc vĩnh viễn việc tài trợ cho WHO nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội. Chính quyền TT Trump sẽ cần làm việc với Quốc hội nhằm ràng buộc những chế tài quan trọng cho các khoản giải ngân của Hoa Kỳ trong tương lai. Tuy nhiên Nhà Trắng tin rằng họ có thể chuyển hướng hợp pháp số tiền được phân bổ trước đó cho WHO sang các mục đích liên quan khác.
Tổng thống Trump không thể kết thúc vĩnh viễn việc tài trợ cho WHO nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội |
Một băn khoăn khác nữa là liệu Trung Quốc sẽ tăng cường sự thống trị tại WHO nếu Hoa Kỳ giảm các cam kết hỗ trợ tài chính hay không. Nhưng hiện nay các tuyên bố của WHO cũng đã thường xuyên xuôi dòng theo Bắc Kinh rồi, và đó cũng là lý do vì sao các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc thường xuyên ngợi ca Tổ chức này. Với việc vị Tổng giám đốc được Trung Quốc yêu thích này chỉ trích Washington và ca ngợi Bắc Kinh như là “hình mẫu” chống dịch, thì Hoa Kỳ có ảnh hưởng gì mà phải mất?
Mới gần đây ngay trước khi bị cắt tài trợ, TS. Tedros cũng tự tin cho rằng ông Trump sẽ không thực hiện lời đe dọa cắt hỗ trợ tài chính. Sự chắc mẩm của ông đã đặt sai chỗ rồi, cũng như nó đã bắt đầu bị đặt sai chỗ từ khi dịch bệnh khởi phát. Vì thế, một điều kiện nữa để Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ trở lại cho WHO là tổng giám đốc cơ quan này phải từ chức.