Thứ nhất, mong rằng ngành giáo dục có những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường đang "sinh sôi nảy nở" đáng báo động trong năm 2018. Này là những cái tát lên đến con số 32, 50 và 231 gây phẫn nộ. Kia là những hành xử xấu xí của phụ huynh: bắt giáo viên quỳ gối, đuổi đánh cô giáo đến suýt sẩy thai, thủng màng nhĩ rồi cả lời miệt thị "chưa chắc bộ đồ thầy mặc trên người giá trị hơn cái quần của con tôi đâu nghe" làm đau lòng thầy. Trò với trò đâu đó vẫn tiếp tục đánh đấm, quay clip, đăng mạng xã hội trong muôn nỗi lo về sự xuống dốc của đạo đức học đường.
Vai trò của các phòng tư vấn tâm lý học đường cần phát huy hơn nữa trong việc ngăn chặn các mầm mống bạo lực, giải tỏa căng thẳng, áp lực cho cả trò lẫn thầy. Bộ quy tắc ứng xử học đường đang được xây dựng cần nhanh chóng triển khai thực hiện để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" thật sự!
Giáo dục phải giảm áp lực cho học sinh để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Tấn Thạnh |
Thứ hai, mong những hình ảnh xấu xí về tình trạng lạm thu học đường sẽ được xóa sạch trong thời gian tới. Cứ mỗi đầu năm học lại rộ lên tình trạng lạm thu, hiệu trưởng này bị kỷ luật vì thu trái quy định, hiệu trưởng kia bị tố bắt người nghèo cõng phí xã hội hóa giáo dục… Một đứa trẻ đến trường phải cõng quá nhiều phụ phí dưới danh nghĩa "tự nguyện", "vận động", "thỏa thuận", "hỗ trợ" chính là đi ngược với chính sách giáo dục nhân văn của nước ta.
Bởi vậy, xin đừng tái diễn cảnh "trên bảo dưới không nghe" khi công văn, chỉ thị chống lạm thu của người đứng đầu ngành đã ban bố vẫn còn đâu đó những con số lạm thu gây bức xúc dư luận. Hãy xử nghiêm những thủ trưởng đợn vị làm trái quy định và quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương đúng đắn của toàn ngành về xã hội hóa giáo dục!
Thứ ba, mong rằng áp lực của người thầy sẽ dần được "cởi trói" bằng những thấu cảm thật sự từ ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. "Bao giờ nhà giáo sống được bằng lương?" vẫn là câu hỏi ngỏ sau khi đề xuất tăng lương nhà giáo lên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương bị gạt đi. Áp lực từ hồ sơ sổ sách, chuyện thu chi tài chính đã được ca thán khá nhiều vẫn chỉ như "muối bỏ biển". Ngay đến chuyện thi giáo viên giỏi chỉ là "diễn", sáng kiến kinh nghiệm gây lãng phí đã được những người đứng đầu ngành xác nhận, phản đối vẫn chưa bao giờ được bãi bỏ một cách chính thức, công khai.
Bởi vậy, những chính sách cải thiện đời sống, giảm áp lực trong công việc của giáo viên cần được Bộ chú trọng triển khai. Bao giờ người thầy an tâm công tác với nghề thì mới hy vọng khơi lên ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến trong mỗi nhà giáo!
Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH cần loại trừ tiêu cực và gian lận. Ảnh: Tấn Thạnh |
Thứ tư, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố chiều 27-12-2018 đang thu hút sự quan tâm của xã hội về sự chuyển mình lớn lao của nền giáo dục nước nhà trong một vài năm tới. Người ta chưa dám bàn nhiều về thành công hay thất bại của công cuộc "thay sách" lần này bởi thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất. Nhưng quan trọng là nền giáo dục nước nhà thật sự đang trì trệ cần đổi mới một cách toàn diện, căn bản đón đầu kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Vậy nên, để đáp lại sự kỳ vọng lớn lao của đất nước, mong rằng ban soạn thảo chương trình cẩn trọng hơn trong từng khâu xây dựng chương trình môn học cụ thể, biên soạn sách giáo khoa, chuẩn bị cơ sở vật chất và quan trọng hơn hết là tổ chức hiệu quả các đợt tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong cả nước.
Thứ năm, mong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 được chuẩn hóa và loại trừ tuyệt đối những tiêu cực về gian lận điểm thi. Chúng ta còn nhớ như in những "vết nhơ" xấu xí trong kỳ thi năm ngoái: Ở Hà Giang, 330 bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia của 114 thí sinh đã bị sửa điểm ở tất cả các môn thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn). Rồi ở Sơn La, 12 bài thi chấm thẩm định giảm từ 1- 4,5 điểm. Và "cơn địa chấn" trong giáo dục lan đến Hòa Bình, 2 đối tượng bị khởi tố với những vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, tinh vi và xảo quyệt.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nữa lại khởi động với những thay đổi quan trọng trong công tác coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi. Nhưng khâu then chốt là "con người" vẫn cần được quản lý gắt gao để tạo ra một kỳ thi "2 trong 1" thật sự hiệu quả, minh bạch, công bằng, nghiêm túc!
Thứ sáu, xin nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc kéo người tài về với giảng đường sư phạm. Sau một thời gian dài điểm đầu vào các trường sư phạm thấp kỷ lục thì bức tranh "thầy giáo 3 điểm/ môn" trong năm 2017 như nhấn chìm hy vọng về những nhà giáo giỏi giang, mẫu mực. Năm 2018 chứng kiến những cố gắng không ngừng nghỉ của những người có trách nhiệm với giáo dục nước nhà trong việc khôi phục vị thế của ngành sư phạm.
Vậy nhưng, ngành giáo dục cần nhìn nhận rõ ràng hơn ba nút thắt mang tính quyết định cho bài toán nâng cao chất lượng giáo sinh: tăng đãi ngộ nhà giáo, giải quyết việc làm và nâng cao vị thế người thầy!