Cụ thể, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 11 của Chính phủ, báo chí đã đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề gian lận thi cử tại một số địa phương, trong đó có Hà Giang. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết đã nhận được kiến nghị từ phía Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang và đã tiến hành điều tra.
"Về vấn đề gian lận thi cử tại một số địa phương, thời gian qua Bộ Công an và một số cơ quan liên quan đã tiến hành điều tra, xử lý quyết liệt và nhiều người vi phạm đã bị xử lý nghiêm, đúng tội. Bộ Công an đã nhận được kiến nghị của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang liên quan đến gian lận thi cử năm 2017 và Bộ Công an đã tiến hành điều tra.
Chúng ta đã xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, 2019 thì không lý do gì Bộ Công an không tiếp tục tiến hành. Thậm chí cả các vụ gian lận trước đó, Bộ Công an cũng sẽ tiến hành điều tra xử lý. Khi có kết quả sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí", ông Xô cho biết.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng điểm. Liên quan hành vi gian lận điểm thi, cuối tháng 10, bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) bị phạt 2 năm tù, ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) bị phạt một năm tù treo, báo VnExpress đưa tin.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận mức phạt 8 năm tù, Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng) án 7 năm tù. Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh) bị phạt 2 năm tù.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang nhận định, hành vi của các bị cáo khiến kỳ thi THPT quốc gia 2018 không còn khách quan, công bằng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên không thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định.