Shein - Đế chế thời trang lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mặc dù gây rất nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận hãng thời trang nhanh Trung Quốc Shein đã trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Shein là nhãn hiệu thời trang phổ biến nhất vào đầu tháng 12/2022, vượt cả Zara và Nike.
Shein - Đế chế thời trang lớn nhất thế giới

Theo trang retailgazette.co.uk, Shein đã chính thức trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới khi được định giá 100 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất. Con số này cao hơn cả giá trị của những tên tuổi lớn như Zara và H&M cộng lại.

Hành trình thống trị thế giới thời trang nhanh của Shein bắt đầu từ năm 2008. Khi đó, doanh nhân người Trung Quốc Chris Yu, một chuyên gia về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), đã thành lập Shein. Trước đó, Chris Yu đã kinh doanh váy cưới trực tuyến với ba người đang là giám đốc điều hành hàng đầu của Shein, sau đó ông bỏ kinh doanh váy cưới để tập trung vào trang phục nữ với thương hiệu ban đầu có tên là SheInside.

SheInside được đổi tên thành Shein vào năm 2015, vì ông cho rằng cần một cái tên đơn giản hơn, dễ tìm thấy hơn trên mạng. Đó là khoảng thời gian công việc kinh doanh thực sự bắt đầu cất cánh và Shein nổi lên là một nhà bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Nhà bán lẻ Shein có thể tương đối xa lạ đối với những người trên 30 tuổi, nhưng với những người mua sắm thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012), Shein hiện là cái tên phổ biến nhất.

Shein kiếm được 15,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng 60% với năm 2020. Ứng dụng của Shein đã được tải xuống nhiều gấp đôi so với ứng dụng của Amazon vào năm 2021, khiến Shein trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thế giới.

Đâu là bí quyết thành công cốt lõi của Shein? Đó chính là chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội. Nhìn vào chiến lược này thì người ta sẽ thấy thành công của Shein không có gì ngạc nhiên.

Shein - Đế chế thời trang lớn nhất thế giới ảnh 1

Thương hiệu Shein có trên 26 triệu người theo dõi trên Facebook và 24 triệu người theo dõi trên Instagram. Còn Shein Hauls, nơi những người có ảnh hưởng mở gói hàng mà Shein giao cho họ rồi thử quần áo và chia sẻ cảm giác trước ống kính, rất thu hút người xem và các video này có hàng tỷ lượt xem trên TikTok và YouTube. Có thể nói Shein là hãng đầu tiên dùng người có ảnh hưởng để tiếp thị thay vì dùng người nổi tiếng như các nhãn hàng khác.

Ngoài ra, Shein có các khu vực dành riêng cho quần áo cỡ lớn và khiến những người mua ngoại cỡ cảm thấy tích cực về bản thân khi ngắm nhìn những người cùng cỡ mặc váy áo Shein. Tôn vinh những người mẫu ngoại cỡ là điều rất ít công ty thời trang khác làm được cho đến nay.

Nhà bán lẻ này cũng sử dụng “đại sứ trường đại học”. Các đại sứ này tìm người mua sắm trên các trang web của trường đại học và tặng quà cho những khách hàng đánh giá tích cực.

Thành công của Shein còn nằm ở chỗ thương hiệu này đã đẩy mạnh mô hình thời trang nhanh. Shein sử dụng các thuật toán để thiết lập các xu hướng thời trang mới nhất, mà đội ngũ thiết kế 2.000 người hùng hậu sử dụng làm cơ sở để tạo ra một loạt các sản phẩm mới. Mỗi ngày có tới 6.000 đơn vị sản phẩm ra đời.

Nhưng thay vì đặt may hàng nghìn sản phẩm cho mỗi mẫu, Shein sản xuất các mẫu sản phẩm với số lượng rất nhỏ, chỉ chưa đầy 100 cái cho mỗi mẫu.

Sau đó, Shein sử dụng thông tin thời gian thực để xem từng mặt hàng được bán với tốc độ ra sao và nhanh chóng đặt hàng thêm nếu mẫu đó được nhiều người thích. Tất nhiên, Shein sẽ ngừng sản xuất mẫu nào không bán chạy.

Các mẫu theo xu hướng mới của Shein được bán với giá thấp đến mức không thể thấp hơn khi trung bình chỉ khoảng 145.000 đồng.

Nhà bán lẻ này có một đội quân khoảng 4.000 các nhà cung cấp nhỏ tại trung tâm sản xuất Quảng Châu ở Trung Quốc. Theo tạp chí Public Eye, tất cả các nhà cung cấp này đều được tích hợp vào phần mềm của Shein, để các đơn đặt hàng được phân phối tự động giữa các nhà cung cấp. Nhờ đó, Shein đáp ứng các xu hướng một cách nhanh bất thường và các sản phẩm sẽ được sản xuất và phân phối chỉ trong một tuần.

Có thể nói Shein là một câu chuyện thành công quốc tế. Theo The Economist, Shein đang bán hàng tại hơn 150 quốc gia mà Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm từ 35 đến 40% doanh số bán hàng và thị trường lớn tiếp theo là châu Âu.

Giá thấp chắc chắn đóng một vai trò lớn trong thành công của Shein ở nước ngoài. Những lỗ hổng về thuế đã giúp Shein giữ giá thấp.

Mặc dù sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc nhưng Shein không bán hàng ở đây, giúp tập đoàn được miễn thuế VAT và thuế tiêu dùng của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc trả thuế doanh nghiệp thấp hơn.

Trong khi đó, Shein giao hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thay vì đến các trung tâm phân phối như hầu hết các nhà bán lẻ lớn vẫn làm. Điều đó có nghĩa là nhà bán lẻ này không phải chịu khoản thuế nhập khẩu nào ở Mỹ hay Anh vì các gói hàng có giá trị thấp như vậy.

Shein - Đế chế thời trang lớn nhất thế giới ảnh 2

Thời trang của Shein có thể nhanh, thậm chí siêu nhanh, nhưng thời gian giao hàng thì lại chậm. Trong một thế giới mà giao hàng vào ngày hôm sau đã trở thành tiêu chuẩn, thì việc vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc có nghĩa là thời gian giao hàng tiêu chuẩn của Shein dao động từ 12 đến 14 ngày, với phiên bản “giao nhanh” là 10 đến 12 ngày.

Tuy nhiên, thời gian chờ đợi chiếc váy hay chiếc áo mà mình yêu thích trong hai tuần không ngăn cản được những người mua sắm trẻ tuổi đặt hàng từ Shein. Mặc dù, đôi khi người mua bức xúc vì thời gian chờ “co giãn” quá nhiều so với 10 - 14 ngày. Với thế hệ trẻ, giá rẻ, miễn phí giao hàng, miễn phí trả hàng khiến Shein trở nên hấp dẫn hơn cả.

Nhờ đó, sau chưa đầy 10 năm gây dựng, thành công nhanh chóng của Shein đã mang về hàng tỷ USD cho các giám đốc công ty. Giám đốc điều hành Chris Yu có khối tài sản trị giá ít nhất là 23,5 tỷ USD, ước tính cổ phần của ông trong Shein chiếm khoảng 1/3. Tổng tài sản ròng của những người sáng lập gồm Chris Yu, Miao Miao, Gu Xiaoqing và Ren Xiaoqing là gần 40 tỷ USD. Còn quỹ đầu tư Tiger Global - một trong những quỹ ủng hộ sớm nhất và quan trọng nhất của Shein - đã kịp nhân hơn 20 lần giá trị đầu tư.

Shein đã đạt đến đỉnh cao của nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới theo một phong cách hơi khác thường, nhưng để thực sự tỏa sáng, doanh nghiệp này cần phải làm nhiều điều hơn nữa để giải quyết những tranh cãi lớn như bản quyền, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, tính bền vững với môi trường…

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng
Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết về việc ngừng bắn tại Dải Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 27/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2728 về việc ngừng bắn tại Dải Gaza, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định:
Ảnh minh họa
Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
(Ngày Nay) -  Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.