Show don't tell có sự dẫn dắt của nhà biên kịch/đạo diễn Kay Nguyễn – người đã có nhiều dấu ấn thành công trong làng điện ảnh. Khóa học còn có sự góp mặt của các nhà sản xuất và đạo diễn phim, đại diện từ Đại sứ quán và Trung tâm văn hóa có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, là cơ hội để 40 học viên học hỏi từ các chuyên gia và những người tham dự.
“40 học viên ngồi đây đều là những người đã qua tuyển chọn, dù các bạn đến từ những ngành học khác nhau. Chúng tôi cùng nhau học về biên kịch, chia sẻ những ý tưởng để phát triển tư duy của bản thân” – Biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất Kay Nguyễn – Giảng viên khóa học chia sẻ.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam |
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội |
“UNESCO hy vọng các bạn khi kết thúc lớp học này, sẽ có thể có những định hướng về đường dài của nghề biên kịch. Trong khuôn khổ dự án E-Motions - Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim, chúng tôi đang tập trung thực hiện những hoạt động đào tạo năng lực và kỹ năng dành cho những nhà làm phim trẻ” – bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy - Quyền hiệu trưởng Đại học Hoa Sen |
Đến với Show don't tell còn có sự hiện diện của Đạo diễn Victor Vũ. Được biết đến là đạo diễn tài năng của điện ảnh Việt, Đạo diễn Victor Vũ là chủ nhân của nhiều bộ phim được đánh giá cao và mang dấu ấn riêng như Quả tim máu, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc, và sắp tới đây là Thiên thần hộ mệnh... Ghé thăm Show don't tell, Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ và truyền đạt những kiến thức, cũng như trải nghiệm của anh trong lĩnh vực phim điện ảnh giải trí.
Đạo diễn Victor Vũ |
Đạo diễn Victor Vũ cho hay lĩnh vực phim điện ảnh giải trí mang không ít thử thách nhưng “đã đam mê thì sẽ theo đuổi tới cùng”. Dựa trên kinh nghiệm thực tế, anh chia sẻ cách nhìn chung về con đường tư duy và phát triển ý tưởng phim điện ảnh giải trí, việc xem phim tham khảo và “bắt mạch” thị trường, việc chọn đề tài theo sở trường/yêu thích, cách truyền cảm hứng cho cộng sự, và quan trọng nhất – một quy trình làm phim cơ bản, những điều quan trọng cần lưu ý trong khâu kịch bản.
Khách mời Trịnh Thị Thanh Tâm – Cựu giám đốc phát hành của Galaxy M&E, hiện tại là CEO của Tfilm (đơn vị phát hành sau rạp lớn nhất Việt Nam hiện tại, đối tác chính thức của Netflix tại Việt Nam) để trình bày về những yếu tố hút khách mà các nhà phát hành luôn tìm kiếm – yếu tố câu chuyện, yếu tố ngôi sao, dịp công chiếu, yếu tố về thể loại và xu hướng “ưu tiên” thể loại phim theo từng năm, những yêu cầu của nhà phát hành, kế hoạch truyền thông mà các biên kịch nên lưu ý để tạo điểm nhấn trong kịch bản.
Ông Frederic Alliod - Tùy viên nghe nhìn của Viện văn hóa Pháp L'Espace |
Khách mời ông Frederic Alliod - Tùy viên nghe nhìn của Viện văn hóa Pháp L'Espace chia sẻ những chương trình hỗ trợ phát triển điện ảnh cho các nhà làm phim trẻ (quỹ phim, tiêu chí, cách tiếp cận, các tip hữu ích), hoặc các chương trình liên hoan phim phù hợp với các bạn trẻ (tiêu chí liên hoan phim, cách nộp tác phẩm – kịch bản hay dưới dạng phim hoàn chỉnh, các tip hữu ích).
Dự án “E-MOTIONS - Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim” do UNESCO thực hiện trong vòng ba năm (2019 – 2022) với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín Thác của Nhật Bản, nhằm nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim, cũng như tổ chức những hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực. UNESCO sẽ tập hợp các nhà làm phim, các nhà hoạch định chính sách, công ty sản xuất phim, phương tiện truyền thông và các đối tác liên quan để nắm bắt và phân tích nhu cầu, nguyện vọng trong việc định hướng tương lai ngành điện ảnh trong nước. Song song với những hoạt động cụ thể, Dự án sẽ hình thành mạng lưới kết nối giữa các nhà làm phim và các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á, tập trung vào Việt Nam, Thái Lan và Indonesia; nhằm khuyến khích học hỏi, trao đổi và giao lưu, tăng cường thực hiện những dự án hợp tác phim ảnh.
Giảng viên khóa học Kay Nguyễn (tên thật Nguyễn Lê Phương Khanh) là một trong những nhà biên kịch nổi tiếng ở Việt Nam, thành công ở cả phương diện phòng vé lẫn chất lượng nghệ thuật. Cô đã học tập và làm việc tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và về nước thành lập nhóm viết A Type Machine vào năm 2013 sau thành công vang dội của Tèo Em. Các tác phẩm của cô đã đại diện cho Việt Nam ba lần liên tiếp dự tranh Oscars: Cô Ba Sài Gòn (2019), Hai Phượng (2020) và Mắt Biếc (2021), đồng thời giữ kỷ lục phòng vé mọi thời đại. Thông qua trang A Type Machine, cô chăm chỉ xây dựng và phát triển một cộng đồng những người kể chuyện sáng tạo bằng các bài đăng hàng ngày và các lớp học trực tuyến miễn phí thường xuyên, với mục đích cung cấp các khóa đào tạo về kỹ thuật cũng như sáng tạo cho các nhà biên kịch trẻ đầy khát vọng tại Việt Nam.