Sớm vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cao Bằng sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Ngoại giao hoàn thiện phương án, giải pháp để vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) theo đúng kế hoạch.
Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) được ví như viên ngọc của du lịch Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN.
Thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh) được ví như viên ngọc của du lịch Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN.

Hội thảo “Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc), do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức, đã diễn ra ngày 18/4 tại Cao Bằng.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Minh Vũ, hội thảo nhằm trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc.

Việc đưa vào vận hành khu cảnh quan có ý nghĩa quan trọng, giúp Cao Bằng phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác, giao lưu, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương biên giới.

Đây là nhiệm vụ không chỉ của tỉnh Cao Bằng mà là trách nhiệm chung của các bộ, ban, ngành Trung ương, góp phần thực hiện thiện chí, quyết tâm của hai nước Việt Nam-Trung Quốc về xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, cho biết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước ký ngày 5/11/2015, có hiệu lực song phương từ ngày 16/6/2016.

Tỉnh Cao Bằng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai hiệp định. Địa phương đã khảo sát thực địa, tiến hành 2 cuộc hội đàm cấp ủy ban điều phối, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), 8 cuộc cấp Văn phòng thường trực tỉnh Cao Bằng và Tổ công tác liên ngành Quảng Tây, thống nhất được phương án mở lối mở, xây dựng trạm kiểm soát, hàng rào biên giới, phương án quản lý, vận hành thí điểm cho du khách hai bên qua lại Khu cảnh quan...

Tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng khu vực mốc 834/1-835 và khu vực chân thác với tổng diện tích gần 12ha; dỡ bỏ khoảng 300 lều lán, nhà kho, nhà vệ sinh tạm, bãi đỗ xe tự phát, trả lại cảnh quan cho khu du lịch; xây dựng trạm kiểm soát biên giới; bố trí lực lượng, trang thiết bị kiểm soát; xây dựng đoạn hàng rào nằm trên đường biên giới từ mốc 834/1 về phía mốc 835; hoàn thành công trình trạm kiểm soát, bãi đỗ xe điện, rải áp phan mặt đường từ trạm kiểm soát nối với Quốc lộ 4A, làm đường vào thác...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hiệp định, phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ khu trung tâm du lịch (quy mô 156,7ha); công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trong khu cảnh quan; việc đầu tư xây dựng các công trình biên giới, tôn tạo mốc giới phải trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc và được phê chuẩn của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; vấn đề nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng công trình đặc sắc tại khu vực biên giới để thu hút du khách…

Hiện nay, tỉnh xây dựng phương án vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 10/2023.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch, Cao Bằng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện hiệp định đối với một số lĩnh vực cụ thể như: vấn đề hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc trong công tác quản lý biên giới, xây dựng công trình biên giới; vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát du khách qua lại khu cảnh quan; công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; đề xuất hỗ trợ kinh phí và việc hoàn thiện đề án cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện hiệp định…

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ việc thống nhất phạm vi thí điểm trong Khu cảnh quan thác Bản Giốc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai vận hành thí điểm trong phạm vi khu cảnh quan, cố gắng đưa khu cảnh quan vào triển khai thí điểm trong quý 4/2023; kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác quy hoạch; tổ chức bộ máy để vận hành thí điểm khu cảnh quan; công tác quản lý, bảo vệ trong thời gian thí điểm (phương án quản lý khách du lịch qua lại khu cảnh quan và bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới...).

Các đại biểu tập trung xác định nội dung, sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa, có thể thu hút khách du lịch; lộ trình tour, tuyến du lịch, kế hoạch quảng bá, tuyên truyền... trong phạm vi thí điểm.

Cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để xây dựng khu cảnh quan, trước mắt là khu thí điểm được xây dựng bài bản, đầy đủ chức năng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với mục tiêu phát huy tiềm năng nhưng cũng xây dựng, bảo tồn di sản chung, mang đến lợi ích lâu dài như mong muốn của nhân dân hai bên biên giới.

Kết thúc hội thảo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng ghi nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện các thủ tục trình Bộ Ngoại giao hoàn thiện phương án, giải pháp để vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) theo đúng kế hoạch.

Cao Bằng rà soát, xác định lại phạm vi khu cảnh quan; quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở tối thiểu để đảm bảo đáp ứng khi khu cảnh quan đưa vào vận hành thí điểm; phát triển thêm các sản phẩm du lịch phục vụ yêu cầu phát triển du lịch khi khu cảnh quan được vận hành; hoàn thiện lại bộ máy quản lý khu du lịch.

Tỉnh sẽ có phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc với hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.