Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành công nghiệp, nhưng lĩnh vực game vẫn là một trong số ít cái tên "ăn nên làm ra" trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là với Sony.
Gã khổng lồ điện tử tiêu dùng và giải trí có trụ sở tại Tokyo cho biết lợi nhuận ròng hàng năm đã tăng lên 1,17 nghìn tỷ yên (10,7 tỷ USD), hơn gấp đôi so với năm trước với doanh thu 8,99 nghìn tỷ yên.
Nhưng đối với năm tài chính bắt đầu vào tháng 4, công ty Nhật Bản dự báo lợi nhuận ròng khiêm tốn hơn 660 tỷ yên, trên doanh thu 9,7 nghìn tỷ yên, một phần do nhu cầu mua máy chơi game sẽ giảm dần.
Tháng 11 năm ngoái, Sony đã tung ra máy chơi game PlayStation 5 để cạnh tranh với đối thủ Xbox của Microsoft.
Ông Yasuda Hideki - nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Ace ở Tokyo, cho biết: “Tác động của việc giảm nhu cầu đối với lĩnh vực trò chơi điện tử là khá lớn mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu từ các rạp chiếu phim”.
“Sony đã trải qua cả khía cạnh tích cực và tiêu cực của đại dịch, nhưng nhìn chung, đại dịch đã mang lại lợi ích cho Sony rất nhiều”, ông Yasuda nhận định.
Bất chấp tác động thảm khốc của đại dịch đối với các doanh nghiệp điện ảnh, xưởng phim hoạt hình Aniplex của Sony đã đạt được chiến thắng phòng vé với bộ phim anime "Demon Slayer" công chiếu vào tháng 12 năm ngoái và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Nhật Bản.
Sony, khởi đầu là một nhà sản xuất radio nhỏ trong những năm đầu sau Thế chiến thứ hai, hiện đang có được sự tăng trưởng ổn định trong các mảng kinh doanh giải trí như một nguồn doanh thu quan trọng.
Gần đây, họ đã công bố một thỏa thuận nhiều năm để cung cấp độc quyền cho Netflix các phim chiếu rạp của hãng này, giá trị nhất là các bộ phim thuộc thương hiệu Spider-Man.
Nhà sản xuất máy nghe nhạc Walkman đã ghi nhận thành tích mạnh mẽ trong những năm gần đây sau khi phục hồi sau khoản lỗ lớn vào đầu những năm 2010, khi họ phải vật lộn để vượt qua khó khăn tài chính bằng cách cắt giảm nhân sự.