Theo nhiều chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc, vốn cũng đang đối mặt với suy thoái kinh tế, đã cẩn thận hơn trong việc chi tiêu cho các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tránh dính phải các cáo buộc lợi dụng "ngoại giao bẫy nợ".
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka ngày càng sâu sắc, với các cuộc biểu tình hàng loạt kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Sri Lanka hôm thứ Ba cho biết nước này đã vỡ nợ và đang chờ một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đây là lần đầu tiên quốc gia Nam Á này tuyên bố vỡ nợ kể từ khi độc lập vào năm 1948.
Vào thứ Tư, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đã gặp đại sứ Trung Quốc Qi Zhenhong để thảo luận về tình hình kinh tế của quốc gia. Đại dứ Qi cho biết Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Sri Lanka trong "thời gian thử thách".
Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD, để chi trả cho khoản vay hiện có của Trung Quốc và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để mua hàng hóa Trung Quốc. Cho đến nay chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu họ có hỗ trợ Sri Lanka hay không.
Ganeshan Wignaraja, một nghiên cứu sinh cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Bắc Kinh đang ngần ngại ra tay giúp đỡ Sri Lanka.
“Trung Quốc không muốn mất tiền. Nếu Trung Quốc cung cấp cho Sri Lanka một gói cứu trợ đặc biệt, các quốc gia khác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng sẽ yêu cầu hình thức hỗ trợ tương tự", ông Wignaraja chỉ ra. "Nhưng quyết định của chính quyền Colombo về việc tạm ngừng thanh toán các khoản nợ nước ngoài sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh trong việc hỗ trợ quốc tế cho Sri Lanka."
Ngoài các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Sri Lanka sẽ cử một phái đoàn cấp cao, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương, tham dự một cuộc họp của IMF ở Washington vào tuần tới, với hai bên dự kiến sẽ thảo luận về khả năng tái cơ cấu nợ và một gói cứu trợ.
Cao ủy Sri Lanka tại Ấn Độ Milinda Moragoda cũng đã gặp Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sri Lanka đã nhận khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ tài chính từ Ấn Độ cho đến nay, bao gồm hạn mức tín dụng 500 triệu USD vào tháng 2 để mua nhiên liệu và 1 tỷ USD khác vào tháng trước cho thực phẩm hoặc các nhu yếu phẩm khác.
Các khoản vay từ Trung Quốc đang chiếm khoảng 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka và bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như cảng Hambantota, vốn đã được cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê trong 99 năm theo kế hoạch đổi nợ lấy cổ phần gây tranh cãi.
Những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách sử dụng những dự án cơ sở hạ tầng để tạo thêm nợ cho các nước nghèo hơn như Sri Lanka và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị. Tuy nhiên, đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh Palitha Kohona cho biết nước này không bị mắc vào bẫy nợ của Trung Quốc.
Giáo sư Lin Minwang, chuyên gia Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết đại dịch COVID-19 và tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế đã khiến Trung Quốc “thận trọng hơn” trong việc cho vay và cấp vốn cho các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Trung Quốc cũng không muốn cho cộng đồng quốc tế lấy cớ để cáo buộc nước này lợi dụng các cơ hội cho vay nợ”, ông Lin nói. “Nếu Trung Quốc làm điều đó để mở rộng địa chính trị, rõ ràng nước này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn Ấn Độ. Nhưng hiện tại, Ấn Độ đang là quốc gia hỗ trợ tích cực nhất."