Nhiều người sau khi xem qua bộ phim cũng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các món ăn trong cung đình Triều Tiên trước đây lại rất hiếm thấy trong các nhà hàng Hàn Quốc hiện đại.
Ngay cả những gia vị cay nồng mà nhiều người cho là không thể thiếu đối với ẩm thực Triều Tiên và Hàn Quốc lại không bắt nguồn từ đất nước này, chính người Bồ Đào Nha đã đem ớt đến vùng đất này vào thế kỷ 16.
Đây là thông tin mà bà Han Bok-ryeo - Chủ tịch của Viện ẩm thực Hoàng gia Hàn Quốc, người được chính phủ Hàn Quốc vinh danh "Bảo vật Quốc gia" với công trình bảo tồn ẩm thực hoàng gia, tiết lộ trong lời tựa đề cuốn sách Jewels of the Palace (2017) của mình, lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng Nàng Daejanggeum.
Được phát hành vào năm 2003, bộ phim Nàng Daejanggeum dựa trên cuộc đời của một nữ y sĩ/đầu bếp cung đình, Jang-geum, dưới triều đại của vua Triều Tiên Jungjong (1506-1544). Các nhà làm phim khi đó đã rất cẩn thận để đảm bảo rằng tất cả mọi thứ, từ thực phẩm và trang phục đến lời thoại, đều chính xác về mặt lịch sử, và Han được nhà sản xuất giữ lại để tái tạo các công thức nấu ăn thời kỳ đó.
Vào năm 1506, ớt không phải thứ nguyên liệu duy nhất chưa từng được người dân Triều Tiên nghe qua. "Vào thời đó, nhiều nguyên liệu chúng ta sử dụng ngày nay, chẳng hạn như cà rốt và hành tây, không có sẵn ở Triều Tiên. Phương pháp nấu ăn rất đơn giản - chẳng hạn như luộc và hấp. Với những hạn chế này, nó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn để làm cho tất cả các món ăn khi lên phim trông sẽ ngon miệng. Và nhiều nguyên liệu quý hiếm đã phải được thay thế: Ví dụ thịt ba chỉ có vỏ dày dùng để thay thịt gấu, trong khi thịt bò được sử dụng để thay thế cho thịt cá voi.
Các công thức nấu ăn trong cuốn sách ẩm thực cung đình của bà Han khá đơn giản và không yêu cầu người nấu phải mất công chuẩn bị.
Các món ăn bao gồm: Thịt lợn thái lát nướng; ba chỉ lợn nấu nhừ với các loại hạt; lẩu đậu nhồi; lẩu hoàng gia; món cơm trộn bibimbap theo mùa; sườn om với rau và các loại hạt; dưa chuột nhồi thịt bò và nấm; mỳ lạnh với kim chi lê và củ cải; bánh gạo hấp với bí ngô và đậu đỏ và cuối cùng là bánh gạo nếp ba màu.