Sử thi Tây Nguyên có dung lượng lớn nhất của trong văn học thế giới?
Sử thi Tây Nguyên gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại của buôn làng Tây Nguyên từng được nhiều thế hệ ngưỡng vọng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…
Theo nhiều nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, chứa đựng nhiều là cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm 1920, nhưng đến gần đây, mới được nghiên cứu, khai thác một cách quy mô, sâu rộng.
Tây Nguyên - vùng đất của cồng chiêng, rượu cần, đàn T'ưng.... và vùng sử thi |
Xét ở góc độ vĩ mô, sử thi Tây Nguyên được biết là có đến 200 bộ được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn. Và hàng trăm bộ nữa chưa được ghi chép. Đây là một kho tàng văn hoá dân gian khổng lồ, một kho lịch sử- văn hoá vô giá có thể so sánh với kho thần thoại Hi-Lạp nổi tiếng. Nhưng dung lượng của Sử thi Tây Nguyên còn nhiều hơn hẳn (so với thần thoại Hi Lạp).
Có những sử thi ngắn mà cũng có tới mấy trăm câu (sử thi H’điêu có 570 câu); có những sử thi khá dài như Đăm San (2077 câu), Khinh Dú (5880 câu), và có những sử thi rất dài, có lẽ dài nhất trong số những sử thi đã được biết cho đến nay là Ot Nrông của người M’nông khoảng 30.000 câu…
Trong văn học dân gian thế giới, sử thi Tây Nguyên được xếp vào loại có dung lượng lớn nhất. Điều quan trọng nhất là nó đã phản ánh một cách trung thực, sinh động, đời sống sinh hoạt cộng đồng, những cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả. Hình tượng trung tâm của sử thi chính là những người anh hùng (các M’tao) qua các cuộc chiến đấu dũng cảm, với tài năng phi thường đưa đến hình thành những cộng đồng mới, đông đúc, giàu mạnh… Hình ảnh tiêu biểu ấy là Đăm San, người anh hùng của các buôn làng Tây Nguyên.
Nghe kể sử thi Tây Nguyên |
Sử thi - bản sắc văn hóa Tây Nguyên
Nét đặc sắc ở sử thi Tây Nguyên là ở cách kể độc đáo. Văn bản có độ dài hàng trăm, hàng ngàn câu, nhưng vẫn có các cụ già thuộc lòng. Những nghệ nhân là “kho tàng sống”, góp phần lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá của người Tây Nguyên.
Đêm đêm bên bếp lửa bập bùng dưới nhà sàn, già làng trưởng bản trầm ngâm kể cho con cháu nghe, thường phải kể hàng chục đêm mới xong… Được sáng tác theo một loại văn vần đặc biệt của người Tây Nguyên sửu thi dễ thuộc, dễ nhớ.
Lý do quan trọng hơn là tình yêu thiết tha và lòng say mê của họ với vốn văn hoá vô giá của dân tộc. Mỗi lần kể sử thi, mỗi lần được nhập cuộc, chính những già làng lại làm không khí cuộc sống cộng đồng cách nay hàng trăm năm…
Ai đã được đến Tây Nguyên thì không thể không quên được ấn tượng của những đêm Tây Nguyên khi bên bếp lửa bập bùng và ché rượu cần giữa nhà rông hay nhà dài. Những ông, những bà miệng móm mém ngồi kể Sử Thi và xung quanh con cháu, buôn làng ngồi nghe như nuốt từng lời, như hoà vào không khí huyền ảo, lung linh.
Bên canh ngồi kể thì các già làng còn nằm kể, bên họ còn có một chiếc ghế dành cho khách quý và là chỗ của giàn cồng chiêng trong các ngày lễ hội lớn. Họ nằm đấy “đầu gối lên một chiếc gối cao, tay gác lên trán, trang nhã và đẹp như một vị tiên”. Và có điều rất kỳ lạ “ông cụ nhắm mắt lại mà kể. Vì sao vậy? Chính ở đây chứa đựng một trong những điều bí ẩn tuyệt diệu nhất của sử thi Tây Nguyên…” (Nguyên Ngọc).
Lễ hội cũng là một trong những môi trường diễn xướng của sử thi. |
Đây có thể là sự sống còn của một cộng đồng, một dân tộc. Sử thi Tây Nguyên là yếu tố văn hoá sâu đậm nhất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tác động trực tiếp và gián tiếp trong đời sống của đồng bào.
Gần đây trong các buôn làng Tây Nguyên việc đêm đêm các con cháu, buôn làng tụ tập về nhà rông hay nhà dài, nghe già làng kể sử thi đã thưa vắng. Lớp người kế tục công việc của những nghệ nhân chưa được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đúng mực trong khi lớp nghệ nhân- già làng thì ngày một vắng bóng dần…
“Phải giữ lại giá trị văn hoá của người trước” câu nói của nghệ nhân Ae Jek (ở xã Ea Bhôk, Krông Ana- Đắk Lắk) tại liên hoan Dân ca, Dân vũ Tây Nguyên lần thứ II (năm 2004) làm vơi đi nỗi băn khoăn của bao người hằng quan tâm đến văn hoá “vùng Sử thi”.
Mới đây nhất, sử thi Tây Nguyên nằm trong danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị của sử thi Tây Nguyên.
Xem thêm:
1. Linh thiêng mái đình làng biển độc nhất vô nhị ở Việt Nam
2. Hủ tục quái gở: Mẹ lấy chồng, con cũng thành vợ cha dượng
3. Người giữ lửa ở làng nghề nặn tò he có một không hai ở Việt Nam
4. Chuyện về thị trấn độc nhất vô nhị ở Việt Nam: Chỉ được cưới 2 ngày trong tháng
5. Khế ước kì lạ khiến trai gái 2 làng 300 năm không thể lấy nhau