Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), khoảng 20 xe tải chở hàng cứu trợ của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã được điều đến nhiều khu vực của Sudan. Đầu tuần này, các đối tác viện trợ nhân đạo đã chuẩn bị sẵn sàng điều 168 xe tải để tiếp cận hơn 4 triệu người trên khắp Sudan. Tuy nhiên, các điều kiện an ninh không cho phép hoạt động diễn ra với quy mô đầy đủ. Các tổ chức trên chỉ có thể điều một số xe tải để tiến hành công tác viện trợ.
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đã tiếp cận và hỗ trợ thực phẩm cho hơn 500.000 người tại 9 bang ở Sudan kể từ khi bắt đầu nối lại viện trợ cách đây khoảng 3 tuần. WFP cũng có kế hoạch phân phát hàng cứu trợ ở miền Trung Darfur và bang Northern. Ngày 24/5, các xe tải chở thực phẩm viện trợ của WFP đã đến khu vực Wadi Halfa. Một ngày sau đó, WFP bắt đầu cung cấp thực phẩm cho khoảng 4.000 người mới sơ tán đến thành phố Port Sudan.
Theo các cơ quan của LHQ, chỉ trong 1 tuần gần đây, 6 trẻ sơ sinh đã tử vong tại bệnh viện ở thành phố Eld'aeen, Đông Darfur do các vấn đề y tế, bao gồm thiếu oxy trong bối cảnh khu vực này mất điện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tổng cộng hơn 30 trẻ sơ sinh đã tử vong tại bệnh viện này kể từ khi xung đột bùng phát ngày 15/4 vừa qua.
Hiện một số nước lân cận cũng đang tích cực tham gia công tác cứu trợ cho người dân tại Sudan. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong 2 ngày qua, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã điều 3 máy bay chở 52 tấn lương thực cứu trợ người dân Sudan.
Ngày 19/5, một tàu của UAE chở 1.000 tấn thực phẩm và các vật tư khác đã cập cảng Suakin ở phía Đông Sudan. UAE đã phân bổ 50 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng vì xung đột và những người phải sơ tán lánh nạn ở Sudan.
Trước đó, Abu Dhabi đã triển khai 18 chuyến bay và 1 tàu chở 1.572 tấn lương thực cùng vật tư y tế viện trợ cho Khartoum. Các cơ quan thực thi pháp luật của UAE cũng miễn tiền phạt cho công dân Sudan nếu họ vi phạm luật nhập cảnh và di trú tại quốc gia vùng Vịnh này, đồng thời tạo điều kiện để những người này hồi hương an toàn.
Xung đột leo thang ở Sudan trong bối cảnh nảy sinh bất đồng giữa người đứng đầu quân đội, Abdel Fattah al-Burhan, người cũng đứng đầu hội đồng quân sự chuyển tiếp, và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti), cấp phó của Tướng al-Burhan trong hội đồng quân sự chuyển tiếp. Những vấn đề chính gây căng thẳng giữa hai bên liên quan đến thời gian và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, cũng như việc bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội.
Tại các cuộc đàm phán ở Jeddah do Saudi Arabia và Mỹ làm trung gian ngày 20/5 vừa qua, Lực lượng Vũ trang Sudan và RSF đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trong 7 ngày. Thỏa thuận có hiệu lực sau 48 giờ kể từ thời điểm được ký, tức vào 21h45 ngày 22/5 theo giờ địa phương (2h45 ngày 23/5 theo giờ Hà Nội). Tuy nhiên, ngày 24/5, Saudi Arabia và Mỹ cáo buộc các phe đối địch tại Sudan vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vừa ký kết, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ cam kết. Ngày 25/5, các phe đối địch tại Sudan cũng cáo buộc lẫn nhau đứng sau các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.