Dubai, trung tâm tài chính và kinh doanh tự do của vùng Vịnh, từ lâu đã trở thành một thỏi nam châm thu hút giới siêu giàu trên toàn cầu và việc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ chối đứng về phía các đồng minh phương Tây hay chính quyền Moscow đã báo hiệu cho các tài phiệt Nga rằng tiền của họ sẽ an toàn ở đó.
Trong những năm qua, quan hệ giữa Nga và UAE đã trở nên sâu sắc hơn. Bất chấp làn sóng trừng phạt và cấm vận nhắm vào các nhân vật thân cận với Tổng thống Vladimir Putin, ngân hàng trung ương UAE hiện cho đến nay vẫn chưa đưa ra hướng dẫn về các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong nhiều trường hợp, các tỷ phú Nga đang tìm cách chuyển tiền và tài sản từ Thụy Sĩ hoặc Anh sang Dubai.
Một luật sư hoạt động tại Dubai cho biết công ty của ông đã nhận được câu hỏi từ các doanh nhân Nga về việc làm thế nào để họ có thể chuyển các "khoản tiền rất lớn" trị giá hàng trăm triệu USD tới UAE.
Một chuyên gia quản lý đầu tư cho biết: “UAE là một nơi trú ẩn an toàn, chỉ cách Nga vài giờ bay và hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý phương Tây."
Giám đốc một ngân hàng tư nhân cấp cao cho biết nhiều khách hàng Nga đang cố gắng mở thật nhiều tài khoản tại các chi nhánh ở UAE.
Một nguồn tin khác cho biết giới tài phiệt Nga, trước viễn cảnh nền kinh tế trong nước suy sụp, đang tìm cách đổ tiền vào các khoản đầu tư bất động sản hoặc các quỹ không tiết lộ thông tin về quyền sở hữu.
Dubai, một điểm đến du lịch toàn cầu, từ lâu đã trở nên phổ biến với người Nga, thành phố này nằm trong số những điểm đến lý tưởng của du khách và các doanh nhân Nga muốn đến đây nghỉ dưỡng và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
UAE vào năm 2018 đã giới thiệu chương trình thị thực vàng cho các nhà đầu tư và các chuyên gia khác được cư trú trong khoảng thời gian 10 năm.
Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy việc Dubai chấp nhận dòng tiền từ Nga sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, các chủ ngân hàng cho biết việc này có nguy cơ gây tổn hại danh tiếng trong bối cảnh nền tài chính phương Tây đang "tẩy chay" Nga.
Một số ngân hàng lớn của UAE đang thực hiện một cách tiếp cận thận trọng. Các ngân hàng hoạt động ở quốc gia vùng Vịnh trước đây đã bị xử phạt vì không tuân thủ các lệnh cấm vận đối với Iran và Sudan.
Tuần trước, cơ quan giám sát tội phạm tài chính toàn cầu (FATF) đã đưa UAE vào "danh sách xám", ám chỉ các khu vực pháp lý phải được tăng cường giám sát.
"Nằm trong danh sách xám, họ (UAE) có lẽ phải cẩn thận hơn mức bình thường. Bây giờ, điều cuối cùng họ muốn là để châu Âu sử dụng điều này như một lý do nữa để giữ họ trong danh sách này", luật sư nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, ngành công nghiệp tài sản tư nhân non trẻ của UAE vẫn chưa đạt đến quy mô hay mức độ tinh vi để có thể "hấp thụ" đầy đủ của cải được lưu trữ ở Thụy Sĩ và các nơi cất giữ truyền thống khác.
“Họ có thể nhận một ít, nhưng họ sẽ không thể nhận hết dòng tiền đang chảy tới”, một chuyên gia quản lý đầu tư cho biết.