Trong đó có việc rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực, xâm hại học sinh; đặc biệt là các quy định về đạo đức nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tư thục trên địa bàn.
Tuyên truyền, cung cấp thông tin về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 - trực 24/24 và miễn phí cước cuộc gọi.
Tăng cường phổ biến kiến thức, kĩ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học, cha mẹ và học sinh; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường nhằm quản lý hiệu quả học sinh và thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại học sinh.
Chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc xử lý, điều tra bảo vệ học sinh.
Tăng cường công tác chỉ đạo việc chấp hành quy định của pháp luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm hại, bạo lực học sinh. Xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu thành lập tổ tư vấn tâm lí cho học sinh với thành phần được quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT và Công văn số 277/SGDĐT-CTTT của Sở; tập huấn cho cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường về việc tư vấn tâm lý cho học sinh đồng thời triển khai hiệu quả công tác này.
Tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động trong đơn vị nội dung Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Cần nhấn mạnh: những hành vi xâm hại tình dục học sinh sẽ bị đưa ra khỏi ngành ngay khi có đủ căn cứ và bị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai các yêu cầu nêu trên hoặc để xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại học sinh trong trường học.