Các doanh nghiệp đang thực sự trở thành động lực lớn để phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiến hành cuối năm 2018, cuộc điều tra mà VCCI đã thực hiện 14 năm nay, với hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia trả lời thì có 572 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là cuộc điều tra được lấy mẫu theo cấp tỉnh, thành phố nên cung cấp khá toàn diện bức tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp nông nghiệp. Nếu chia theo năm trong mẫu các doanh nghiệp nông nghiệp thì có thể thấy số lượng doanh nghiệp nông nghiệp thành lập nhiều hơn trong những năm gần đây. Số lượng doanh nghiệp thành lập trong vòng 5 năm trở lại nay chiếm đến gần 50% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tới đây cần quan tâm về các vấn đề như quy hoạch, cắt giảm đầu tư kinh doanh, đổi mới kiểm tra chuyên ngành…
Cải cách hành chính
Bộ NN&PTNT cho biết đã rà soát, tổng hợp các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại 6 Luật gồm: Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và 7 Nghị định. Theo thống kê, có 269 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (của 33 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện); bổ sung thêm một ngành nghề “Đăng kiểm tàu cá” đã được quy định tại Điều 68 Luật Thủy sản, Điều 56 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Theo quan điểm của VCCI, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành. Ngành nông nghiệp thường áp dụng biện pháp quản lý bằng những “danh mục được phép kinh doanh”. Đây là cách làm được nhiều chuyên gia đánh giá là cản trở khá lớn đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân theo nguyên tắc “được kinh doanh những gì pháp luật không cấm”.
Do đó, ông Đậu Anh Tuấn đưa ra đề nghị tiếp tục rà soát, chuyển đổi phương thức quản lý từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”. Nhiều ý kiến vẫn lo ngại việc liệu bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh có dẫn đến tình trạng “tay không bắt giặc” hay chuyển sang chọn bỏ thì lại thành “thả gà ra đuổi”. Tuy nhiên, cần đổi mới tư duy giống như câu chuyện 20 năm internet tại Việt Nam, tức là chuyển từ “phát triển phải phù hợp với trình độ quản lý” sang tư duy “quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển”.
Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành hàng hoá nhập khẩu. Nông nghiệp là lĩnh vực tương đối phức tạp liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khoẻ cộng đồng, sinh vật ngoại lai xâm hại… do đó, việc thanh tra, kiểm tra là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần sớm đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra bằng cách áp dụng triệt để quản lý rủi ro. Theo đó, các đối tượng quản lý sẽ được đánh giá mức độ rủi ro thành rủi ro cao, rủi ro vừa, rủi ro thấp, tương ứng với đó là tần suất và các biện pháp thanh, kiểm tra. Chỉ có làm như vậy thì ngành nông nghiệp mới có đủ nguồn lực về con người, trang thiết bị để thực hiện hết chức năng quản lý của mình.
Giải pháp này còn giúp giảm nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực từ những cán bộ thanh tra, kiểm tra, giúp giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Thống nhất quy hoạch và có bảo hộ hợp đồng nông nghiệp
Theo ông Đậu Anh Tuấn, một vấn đề quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững là bảo hộ sở hữu về tài sản cho doanh nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp có 4 loại tài sản đầu vào chính là đất đai, nguồn nước, rừng và thuỷ sản. Đất đai và nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn rừng và thuỷ sản thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT. Để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các lĩnh vực lâm nghiệp và thuỷ sản thì rất cần những chính sách bảo vệ quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với các tài sản là rừng trồng, rừng tự nhiên được giao, thuê, thuỷ sản nuôi trồng và thuỷ sản tự nhiên khai thác hợp pháp. Doanh nghiệp chỉ có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh nếu họ biết chắc rằng mình có quyền chủ sở hữu hợp pháp, lâu dài, ổn định và minh bạch đối với các tài sản đó.
Cùng với đó việc bảo hộ hợp đồng trong nông nghiệp cũng giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn trong kinh doanh. Các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong nông nghiệp từ trước đến nay thường mang tính phong trào, chỉ thành công trong giai đoạn đầu và sau đó dễ dàng tan vỡ. Nguyên nhân chính là do những mối liên kết chưa được tạo dựng dựa trên những hợp đồng được Nhà nước bảo hộ vững chắc. Cả nông dân và doanh nghiệp đều có thể “bẻ kèo”, nông dân thì bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác không giữ đúng cam kết, doanh nghiệp thì không thu mua hay không thu mua đúng giá đã thoả thuận.
Đối với những hợp đồng hợp tác trong nông nghiệp với giá trị không lớn, người dân kém hiểu biết pháp luật thì việc sử dụng thiết chế toà án để bảo đảm thực thi hợp đồng hiện nay chưa thực sự khả thi.
Do đó, ngành nông nghiệp rất cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế khác để có thể bảo đảm cho người nông dân và doanh nghiệp có thể giao kết và thực hiện hợp đồng một cách trung thực, tận tâm, thiện chí. Các giải pháp đưa ra có thể tính đến như tuyên truyền, vận động người dân tôn trọng hợp đồng, không phá cam kết để hưởng cái lợi ngắn hạn; hoặc nhấn mạnh vai trò của các thiết chế cơ sở như làng xóm, chính quyền địa phương; vận dụng các hương ước, tập tục địa phương để bảo đảm thực thi hợp đồng.
Nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, tăng cường khởi nghiệp sáng tạo trong nông thôn; cách thức thúc đẩy áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Vấn đề về công tác quy hoạch cũng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để có định hướng phát triển của mình. Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch 2017, trong đó đã loại bỏ khá nhiều các quy hoạch hiện có của ngành nông nghiệp.
Về bản chất, quy hoạch nông nghiệp chủ yếu là quy hoạch mềm, không mang tính bắt buộc mà chỉ là khuyến nghị, định hướng. Thực ra, vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra khuyến nghị, định hướng, cung cấp thông tin thị trường đối với nông sản là rất quan trọng. Với sự phát triển và phổ biến của internet và công nghệ thông tin hiện nay thì các coq quan quản lý hoàn toàn có thể triển khai những website nhiều thông tin hữu ích hay phần mềm ứng dụng (thậm chí trên điện thoại thông minh) để cung cấp thông tin quy hoạch một cách miễn phí cho người dân, doanh nghiệp…