Tập đoàn Minh Phú: “Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn!”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Với người nuôi tôm, con tôm như là máu, là thịt, là tiền thì sẽ chăm tôm như là con của họ nên tỷ lệ thành công của người nuôi tôm sẽ tốt hơn. Minh Phú sẽ giúp người nuôi tôm thành công. Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn...”, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú chia sẻ về chiến lược phát triển tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 vừa kết thúc cách đây ít ngày.
Tập đoàn Minh Phú: “Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn!” ảnh 1

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú chia sẻ về chiến lược phát triển tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022.

Xuất khẩu sang Nhật Bản vươn lên dẫn đầu

Việt Nam là một trong những Quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới. Minh Phú là tập đoàn thuỷ sản được mệnh danh là “vua tôm” với kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam. Các sản phẩm của Minh Phú hiện đang có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là hai sản phẩm chủ lực tạo nên tên tuổi của tập đoàn có xuất phát điểm là doanh nghiệp cung ứng thuỷ sản đến từ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài trên toàn thế giới ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của tập đoàn này. Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Minh Phú ghi nhận giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2022, dù kinh tế toàn cầu khởi sắc trở lại nhưng việc xuất khẩu của tập đoàn cũng có nhiều biến động. Nếu như trong năm 2021, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Minh Phú là Mỹ, đạt 221 triệu USD (chiếm 34,07%) thì bước sang 5 tháng đầu năm 2022, thị trường này rơi xuống vị trí thứ tư với hơn 42 triệu USD (khoản 15,81%). Trong khi đó, Nhật Bản vươn lên dẫn đầu với 61 triệu USD (chiếm 23,02%), đứng thứ hai là Úc – New Zealand và châu Âu vẫn giữ nguyên vị trí thứ ba trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sở dĩ có sự xáo trộn tại thị trường Mỹ vốn là nơi dẫn đầu về thị phần xuất khẩu của Minh Phú, ông Lê Văn Quang cho rằng vấn đề nằm ở chi phí tại Mỹ tăng cao nhiều lần, căng thẳng vận tải biển kéo dài, khan hiếm container, việc cập cảng, nhập hàng rất lâu và tốn kém. “Lúc đầu ký hợp đồng bán hàng, qua tính toán thấy có lời nhưng khi xuất hàng thì chi phí tăng đột biến, hiện nay, xuất khẩu sang Mỹ chi phí kho tăng gấp 2, chi phí bến bãi tăng 2-3 lần. Nhưng đó là thị trường, khó mà giải quyết được. Chúng ta chấp nhận theo thị trường, giá lên ta lên, giá xuống ta xuống. Chúng ta là đối tác nhỏ nên giải pháp là thích nghi, ứng phó cho tốt thôi”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nói và nhấn mạnh:

“Kinh doanh tại Mỹ không có lợi nhuận, tại sao cứ phải đổ vào nơi không có lợi nhuận, phải thay đổi chiến lược, ở đâu có lợi nhuận tốt thì đẩy mạnh bán hàng ở đó. Trong năm 2022, Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu gần 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.200 tỷ đồng, ước tính sẽ tăng 92,8% so với cùng kỳ”.

Tập đoàn Minh Phú: “Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn!” ảnh 2
Mô hình nuôi thâm canh 2 vụ/năm tại Kiên Giang

Tăng thị phần tôm sú

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú định hướng, trong năm 2022 thực hiện kế hoạch 5 năm, Minh Phú với tầm nhìn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số, duy trì là công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam và thế giới, giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng thị trường mới.

Minh Phú xác định phải hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu lai tạo con giống đến xuất khẩu, phân phối tại các thị trường. Doanh nghiệp sẽ xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh, tôm siêu thâm canh công nghệ cao và tôm lúa theo phương thức liên kết hợp tác với đầy đủ cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, dịch vụ kỹ thuật, trong đó có khu phức hợp chế biến tôm cùng công nghiệp phụ trợ nằm gần vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và giảm chi phí cũng như giảm hao hụt sau thu hoạch... Cùng với đồng bộ hoá tất cả các thành phần trong chuỗi, Minh Phú đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị để có tôm sú giống kháng bệnh, thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên 50% và cao hơn nữa.

“Chúng tôi luôn trăn trở là tại sao người nuôi tôm ở Đồng bằng Sông Cửu Long càng nuôi tôm lại càng nghèo và họ phải bỏ ruộng vườn, nhà cửa, quê hương đi lên TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để làm thuê. Từ đó, Minh Phú quyết tâm tìm câu trả lời và giải pháp”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhận thấy rằng: “Nghề nuôi tôm ĐBSCL có 3 đặc điểm tồn tại là: Nuôi tôm nhỏ lẻ, không có kênh cấp kênh thoát riêng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng cho nuôi tôm kém. Vì thế, nuôi tôm đạt tỷ lệ sống rất thấp và giá thành nuôi tôm cao, trong khi giá bán lại thấp và bấp bênh. Giải quyết được 3 tồn tại này thì có thể tôm đạt tỷ lệ sống tới 60%. Để làm được điều này, chỉ có quy hoạch và quy hoạch lại ngành tôm”.

Tập đoàn Minh Phú: “Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn!” ảnh 3

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú

"Giúp đỡ người dân nuôi tôm thành công"

Hiện nay, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú dù có nuôi hết các vùng nuôi thì khả năng cung cấp nguyên liệu chỉ chiếm 10%. Vấn đề mấu chốt được Minh Phú đề ra là liên kết với các hộ nuôi tôm, giúp đỡ người nuôi thành công để đảm bảo nguyên liệu.

“Với người nuôi tôm, con tôm như là máu, là thịt, là tiền thì sẽ chăm tôm như là con của họ nên tỷ lệ thành công của người nuôi tôm sẽ tốt hơn. Chủ trương của Minh Phú không phải tự nuôi để chủ động nguyên liệu mà giúp người nuôi tôm thành công, nuôi tôm đạt giá thành thấp thì Minh Phú sẽ thu mua được giá tôm thấp và đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Chúng ta sẽ giúp đỡ người dân. Người nuôi tôm thành công thì chúng ta sẽ tốt hơn”, ông Lê Văn Quang trả lời thắc mắc của cổ đông.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đề ra chủ trương làm sao giúp cho người dân sản xuất ra con giống chất lượng cao, giá thành thấp, tỷ lệ sống 90% trở lên. Theo đó, Minh Phú sẽ đầu tư hệ thống lấy nước biển cách xa bờ 2km để có nước tốt và xây dựng hệ thống xử lý nước ngọt. Để có tôm bố mẹ tốt, Minh Phú đã đầu tư hợp tác sản xuất con dời tốt, sạch bệnh – là thức ăn cho tôm bố mẹ. Thêm vào đó, phải có nguồn thức ăn cho tôm ấu trùng tốt là tảo khuê - đã thử nghiệm ở Lộc An (BR-VT) và Kiên Giang, kết quả tôm không bệnh, lớn nhanh, săn chắc, luộc lên màu rất đỏ và đẹp. Minh Phú sẽ cung cấp tảo cho trại sản xuất con giống và người nuôi tôm. Bởi khi có tảo phát triển tốt thì tôm không bị bệnh bởi vi sinh vật có lợi sống cộng sinh với tảo khuê, lấn át vi khuẩn gây bệnh giúp tôm lớn nhanh, phát triển tốt.

Theo Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, ở Việt Nam sản xuất con giống sạch bệnh nhưng lại thả vào môi trường nhiễm bệnh nên cách tiếp cận là chưa đúng, cần thay đổi. Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thì có thể xử lý nước, nhưng mô hình tôm rừng, tôm quản canh, bán thâm canh, tôm lúa thì không thể xử lý nước sạch được?! Trong khi đó, các mô hình này chiếm 90% sản lượng tôm của Việt Nam. Từ đó, Minh Phú sẽ gia hoá tôm bố mẹ kháng bệnh, thích nghi để cung cấp được con giống mà khi thả vào môi trường bệnh vẫn sống tới ngày thu hoạch và có khả năng chống chịu với sự biến đổi của khí hậu, thời tiết và môi trường.

“Tôm sú là tôm bản địa của Việt Nam, giá thường cao hơn 20-40% thậm chí cao hơn gấp 2,5 lần so với tôm thẻ chân trắng. Tôm sú trước kia thị phần 80%, tôm thẻ 20% còn bây giờ thì ngược lại… Tại sao? Vì giống thoái hoá. Ngày xưa, tôm thẻ chân trắng 100 con/kg, tôm sú 15 con/kg còn bây giờ tôm thẻ chân trắng có thể đạt 15-20 con/kg, còn tôm sú thì 30-40 con/kg. Chúng tôi quyết tâm dùng công nghệ để gia hoá tôm sú nhanh nhất, giải trình tự gen, phấn đấu 8-10 năm có con giống đạt mục tiêu, đặc tính sinh học tốt hơn, giá thành nuôi tốt hơn tôm thẻ chân trắng. Lúc đó, nâng thị phần tôm sú lên 50% và hơn để đạt được lợi nhuận tốt hơn”, ông Lê Văn Quang đặt ra mục tiêu.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú kỳ vọng giúp bà con nuôi tôm làm giàu trên chính mảnh đất của mình và bền vững, chấm dứt tình trạng người dân phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, quê hương lên thành phố làm thuê.

Tại ĐHĐCĐ lần này, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cũng thông qua kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi. Đồng thời, đề cử bổ sung 2 thành viên thay thế là ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi, đại diện cho nhóm cổ đông MPM Investments Pte. Ltd sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu (chiếm 35,1% vốn điều lệ).

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).