Thứ Hai đánh dấu ngày thứ 12 kể từ khi tàu ngầm ARA San Juan cập nhật vị trí cuối cùng của mình trên bờ biển phía Nam của Argentina. Các báo cáo về một tiếng nổ đã được thu nhận tại nơi tàu ngầm báo cáo vị trí lần cuối của mình cho thấy có lẽ sự cố về điện đã gây ra 1 vụ nổ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên hải quân Argentina Enrique Balbi từ chối nói bất cứ điều gì để khẳng định rằng có thể các thủy thủ đã thiệt mạng.
Balbi nói với các phóng viên: "Chúng tôi đang ở giai đoạn hy vọng và thất vọng cùng một lúc. Chúng tôi sẽ không suy đoán ngoài những gì chắc chắn."
Hải quân Mỹ cho biết họ đã triển khai các phương tiện dưới nước không người lái (tàu ngầm mini) được trang bị thiết bị phát hiện tàu ngầm đã tham gia tìm kiếm. Một chiếc máy bay của Nga đã tới Argentina vào hôm thứ 6, mang các thiết bị tìm kiếm có khả năng đạt tới độ sâu 6.000 mét dưới mực nước biển, ông Balbi nói.
Ngoài ra cộng đồng quốc tế như Brazil, Chilê, Anh và các nước khác cũng cử các tàu và máy bay tham gia cuộc tìm kiếm.
Các gia đình thủy thủ cho biết họ nghi ngờ tàu ngầm San Juan với tuổi đời hơn 30 năm tuổi đã không được bảo trì đúng đắn và đưa ra lời buộc tội của chính phủ cũng như hải quân đã chậm trễ chia sẻ thông tin với họ.
"Sự mất mát của San Juan là hậu quả của việc các lực lượng phòng vệ của chúng ta bị bỏ rơi và xuống cấp", Thượng nghị sĩ Argentina Pino Solanas phát biểu trên đài phát thanh địa phương hôm thứ Bảy.
Mối lo ngại về số phận của các thủy thủ đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị khốc liệt giữa những người ủng hộ Tổng thống Mauricio Macri và phe đối lập, những người đã nhanh chóng tìm vin vào phản ứng chậm trễ của chính phủ để chỉ trích.
"Cho đến khi chúng ta tìm được tàu ngầm và có tất cả các thông tin", Tổng thống Macri nói vào hôm thứ Sáu, "chúng ta sẽ không đổ lỗi cho ai cả."
Theo Reuters