Trung Quốc lại tiếp tục gây nên những quan ngại về vấn đề an ninh trên Biển Đông khi triển khai tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng trái phép.
Loại tên lửa phòng không mà Trung Quốc triển khai trái phép ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được xác định ban đầu là loại HQ-9 và được triển khai từ nửa đầu tháng 2.2016.
Hình ảnh vệ tinh về hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc được FoxNews đăng tải.
Đây là hành động leo thang mới nhất của Trung Quốc liên quan tới tranh chấp đảo ở Biển Đông, hành động có thể đem lại những căng thẳng mới, cực kỳ nguy hiểm.
Mọi chuyện chỉ được biết khi FoxNews đăng tải hình ảnh vệ tinh lên các phương tiện truyền thông. Căn cứ hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể đã đưa trái phép tới đảo Phú Lâm hệ thống tên lửa phòng không HQ-9.
Theo đó các chuyên gia xác định có hai khẩu đội với 8 bệ phóng tên lửa phòng không cùng một hệ thống radar đã được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Cơ quan quốc phòng Đài Loan cùng ngày cũng khẳng định thông tin này.
Các quan chức Mỹ đã xác nhận độ chính xác của những bức ảnh vệ tinh này và cho biết thêm, hệ thống phòng không HQ-9 với tầm bắn 200km tạo ra mối đe dọa tới bất cứ loại máy bay nào dù dân sự hay quân sự.
Hình ảnh vệ tinh chụp trước ngày 3.2.2016 cho thấy Trung Quốc chưa bố trí tên lửa phòng không ở bờ biển đảo Phú Lâm, mà chỉ bố trí sau khi tàu chiến Mỹ USS Curtis Wilbur có chuyến tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 30.1.
Theo các tài liệu Trung Quốc và quốc tế, tên lửa phòng không HQ-9 (hay còn gọi là Hồng Kỳ 9) do Học Viện Công nghệ Quốc Phòng Trung Quốc (thuộc Tổng Công ty Khoa học & Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc) phát triển trên cơ sở sao chép mẫu tên lửa Patriot của Mỹ và S-300 của Nga.
Tuy nhiên, cơ bản thì hình dáng của HQ-9 giống hệt S-300, nó chỉ sử dụng chút công nghệ Patriot bên trong hệ thống điều khiển.
Bắt chước S-300”, đạn tên lửa HQ-9 được đưa khỏi ống phóng bằng liều phóng lạnh nhằm tránh gây hư hại cho bệ phóng. Ở độ cao ổn định, động cơ chính được kích hoạt đưa tên lửa bước vào hành trình bay tới mục tiêu.
Đạn tên lửa HQ-9 có chiều dài 6,8 mét, trọng lượng 1,3 tấn, đầu đạn nặng 180kg. Đạn tên lửa được trang bị ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km, bán kính diệt mục tiêu của đạn là 35m. Tầm bắn của tên lửa được cho là 150-200km.
Một lữ đoàn tiêu chuẩn của HQ-9 bao gồm 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 1 xe chỉ huy, 1 xe radar hướng dẫn bắn, 8 xe dàn phóng (loại 4 ống phóng/xe), theo dõi mục tiêu ở xa 300 km, bắn xa 200 km.
Như vậy 1 tiểu đoàn HQ-9 có 32 tên lửa sẵn sàng tham chiến, và có thể bắn cùng lúc 8 tên lửa. Hệ thống của HQ-9 có thể theo dõi 100 mục tiêu, tự động xác định mục tiêu đáng đe doạ và ưu tiên bắn 6 mục tiêu. Từ lúc radar khoá mục tiêu đến lúc bắn chỉ mất 12 - 15 giây.
Việc bố trí HQ-9 ở Phú Lâm được xem là mối đe doạ với máy bay tuần biển và săn ngầm P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ, thách thức tuyên bố của Mỹ là bay qua bất cứ nơi nào ở Biển Đông mà luật pháp quốc tế cho phép, theo Blommberg.
Tầm bắn 200 km của HQ-9 có thể cung cấp sự bảo vệ rộng lớn quanh quần đảo Hoàng Sa cũng như cho đảo Hải Nam, theo chuyên gia Peter Goon của tổ chức tư vấn Air Power (Úc), Business Insider ngày 17.2 cho biết.
Hiện Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của lực lượng hải quân tại đảo Hải Nam, và hệ thống HQ-9 ở Phú Lâm dường như nhằm bảo vệ phần sườn phía nam của Hải Nam, theo The New York Times.
B.M