Theo tờ Politico, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi dự kiến tiến hành hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo trong ngày 21/10, mang theo hy vọng có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng Gaza leo thang và mở rộng ra thành một cuộc chiến tranh khu vực. Tuy nhiên, vấn đề chính của ông là bộ ba cực kỳ quan trọng sẽ không có mặt ở đó, bao gồm Mỹ, Israel và Iran.
Lãnh đạo của hàng chục quốc gia, bao gồm các quan chức hàng đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và châu Âu, sẽ hội tụ về Ai Cập để tham dự hội nghị, nhưng sự vắng mặt của ba nước nói trên làm trung tâm của cuộc xung đột khiến hội nghị thượng đỉnh được dự đoán khó có thể mang lại giải pháp đột phá cho vấn đề.
Iran là một bên quan trọng đối với cuộc xung đột. Tehran bị cáo buộc vừa là đồng minh của Hamas, nhóm phiến quân đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.400 người ở Israel trong cuộc tấn công ngày 7/10, vừa là đồng minh của phong trào Hezbollah tại Liban, tổ chức mà nhiều nhà quan sát lo ngại đang sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống Israel từ phía Bắc.
Cũng trong tuần này, các nhóm tay súng đã tiến hành loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các đơn vị đồn trú của Mỹ ở Syria và Iraq, trong khi các tay súng Houthi ở Yemen đã tiến hành ba cuộc tấn công tên lửa hành trình nhắm tới Israel. Các quả tên lửa đã bị tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đỏ đánh chặn.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder nói với giới truyền thông: “Hiện tại, cuộc xung đột này đang được kiểm soát giữa Israel và Hamas. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo khả năng đánh chặn trong khu vực và ngăn cho nó không phát triển hơn, trở thành một cuộc xung đột rộng ra khu vực”.
Theo ông Jumblatt, một chính trị gia kỳ cựu người Liban, một bước đột phá ngoại giao lớn cần một tầm nhìn hoà bình rộng hơn. Ông chỉ ra rằng những bên thực sự quan trọng trong cuộc xung đột không ngồi vào bàn đàm phán ở Cairo: “Những người dự hội nghị không phải là người chơi. Họ không có bất kỳ ảnh hưởng nào. Ba người chơi chính là Israel, Iran và Mỹ”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cũng như các nhà lãnh đạo từ Italy và Hy Lạp, cũng tham dự cuộc họp ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không có mặt ở Cairo. Trước đó, nữ lãnh đạo đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp và nhà ngoại giao châu Âu vì không kêu gọi rõ ràng Israel tôn trọng luật pháp quốc tế trong cuộc chiến ở Gaza trong chuyến đi tới nước này vào tuần trước.
Nhà lập pháp Liban Wael Abou Faour nhấn mạnh: "Ngừng bắn là điều duy nhất có thể cứu chúng tôi, Liban, cũng như Ai Cập và Jordan”.
Mỹ không “hoà giải”
Ngày 18/10, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi tạm dừng giao tranh để cho phép hỗ trợ nhân đạo vào Gaza, nơi gần như bị bắn phá liên tục kể từ khi Hamas tấn công Israel. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết nghị quyết này không nhấn mạnh được quyền tự vệ của Israel.
Các vòng ngoại giao và chuyến thăm của các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đã làm nổi bật sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các nhà lãnh đạo Arab và các đối tác Mỹ và châu Âu về cách họ nhìn nhận cuộc xung đột ở Gaza cũng như các vấn đề liên quan.
Các nhà lãnh đạo phương Tây vận động các nhà lãnh đạo Arab hỗ trợ Israel và ủng hộ nỗ lực tiêu diệt Hamas. Theo phương Tây, Israel có quyền theo luật pháp quốc tế để tự bảo vệ mình khỏi bị tấn công và coi phần lớn cuộc khủng hoảng là một vấn đề khủng bố.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Arab nói rằng giải pháp thực sự duy nhất là phương Tây thực hiện đúng lời hứa thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng với Israel. Ngay từ đầu, Tổng thống el-Sisi nhấn mạnh hội nghị sắp tới phải thảo luận về “tương lai của Palestine”. Ông lên án hành động trả đũa của Israel vì vượt quá giới hạn tự vệ và kích hoạt hình phạt tập thể đối với người dân Gaza.
Đầu tuần này, nhà lãnh đạo tuyên bố ưu tiên của Ai Cập là chấm dứt bạo lực và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine bị mắc kẹt ở Gaza.
Cả nhà lãnh đạo Ai Cập và Quốc vương Abdullah II của Jordan đều có những quan ngại an ninh về việc di dời người dân Gaza và dòng người tị nạn.
Tổng thống El-Sisi cảnh báo cuộc chiến hiện tại không chỉ nhằm mục đích chống lại Hamas “mà còn là nỗ lực thúc đẩy dân thường di cư sang Ai Cập”, điều sẽ phá hoại hòa bình trong khu vực.
Các chính trị gia trong khu vực chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây thừa nhận cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza quá muộn màng.
Achraf Rifi, cựu bộ trưởng tư pháp Liban, nhận xét: “Những gì chúng tôi thấy là một tiêu chuẩn kép đối với thường dân Arab. Mỹ không còn là trung gian. Họ nói về việc một đứa trẻ Israel bị giết nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước một đứa trẻ Palestine”.