Lần đầu tiên tỉnh Thái Bình thực hiện hỗ trợ học nghề theo chương trình chất lượng cao với danh mục 6 ngành nghề được khuyến khích đào tạo gồm: Tin học viễn thông ứng dụng; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; tin học ứng dụng; tự động hóa công nghiệp; công nghệ thông tin; nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, có ba mức hỗ trợ gồm: 500.000 đồng, 700.000 đồng và 1 triệu đồng/người/tháng dành cho đối tượng là sinh viên thường trú trên địa bàn tỉnh khi học hệ cao đẳng chính quy theo chương trình chất lượng cao hoặc học sinh, sinh viên thường trú tại tỉnh (đã tốt nghiệp trung học phổ thông) theo học hệ trung cấp, cao đẳng chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo danh mục 6 ngành nghề được khuyến khích đào tạo. Trong đó, mức hỗ trợ cao nhất 1 triệu đồng/tháng dành cho người học trình độ cao đẳng theo chương trình chất lượng cao thuộc danh mục tỉnh khuyến khích.
Ngoài ra, đối tượng là học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề kết hợp học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn sẽ được hỗ trợ 100% học phí.
Chính sách hỗ trợ này được thực hiện theo thời gian thực học, nhưng không quá 9 tháng/năm học đối với chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; không quá 20 tháng/khóa học đối với trình độ trung cấp và không quá 30 tháng/khóa học đối với trình độ cao đẳng.
Việc thực hiện chính sách nhằm thu hút học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia học tại các cơ sở giáo dục nghề; đồng thời, tăng chất lượng nguồn lao động theo các ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình, tỉnh có khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 60% dân số. Những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã hình thành. Toàn tỉnh hiện có 1 khu kinh tế, 10 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp với 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thu hút trên 720.000 lao động.
Năm 2024 qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động (trong đó yêu cầu 3.200 lao động trình độ cao đẳng; 2.800 lao động trình độ trung cấp; 4.000 lao động trình độ sơ cấp và 2.000 lao động phổ thông). Tổng số nhu cầu đào tạo lao động đến năm 2025 là trên 78.000 người; đến năm 2030 là trên 82.000 người (gồm 24.000 lao động trình độ cao đẳng, 18.000 lao động trình độ trung cấp, 19.000 lao động sơ cấp và gần 20.000 lao động phổ thông...).
Trong khi đó hiện nay, Thái Bình có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của địa phương đạt khoảng 75,7%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 25,8%. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, địa phương đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tỉnh dự kiến kinh phí thực hiện đến năm 2025 là 366 tỷ đồng, đến năm 2030 là 527 tỷ đồng.
Mục tiêu của tỉnh là xây dựng các mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, phát triển lao động có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động. Dự kiến, đến năm 2025 có 11 nghề và đến năm 2030 là 15 nghề được tỉnh khuyến khích đào tạo và đào tạo theo chương trình chất lượng cao.