Sự việc này còn đang gây xôn xao dư luận, khiến cho nhiều phụ huynh học sinh lo lắng bởi tính chất côn đồ của nhóm đối tượng, thì tiếp theo đó là trường hợp nữ sinh tự tử. Điều đáng báo động là các sự vụ này xảy ra ngay sau khi Sở GD-ĐT Thái Nguyên rầm rộ ban hành hàng và triển khai hàng loạt văn bản kế hoạch triển khai phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ), công tác giáo dục lý tưởng sống, văn hóa ứng xử triển khai tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nữ sinh tự vẫn với thư tuyệt mệnh
Bên cạnh hành vi xâm phạm về thể chất, gây thương tích cho người khác... thì hành vi sử dụng lời nói xúc phạm, sỉ nhục, chế nhạo; phân biệt đối xử, bêu rếu trên mạng xã hội... cũng là một hình thức bạo lực và cụ thể ở đây là bạo lực bằng lời nói, bạo lực xã hội và bạo lực điện tử gọi chung là bạo lực tinh thần.
Dư luận từng trường hợp nữ sinh tên Đ.T.N.H - học sinh trường THPT Chu Văn An nhảy cầu Gia Bảy tự tử từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 10/2021. Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng bày tỏ niềm tiếc thương cho cô gái trẻ và gửi lời chia sẻ, động viên đến gia đình nạn nhân. Bên cạnh đó, nhiều những nội dung bình luận của người dùng đồn đoán về nguyên nhân khiến nữ sinh chọn cái chết để giải thoát.
Học sinh D., bạn của nạn nhân chia sẻ, nữ sinh H. là người hiền lành, ít nói, thành tích học tập tốt. Theo D., trước khi xảy ra sự việc, nạn nhân từng bị bạn bè xúc phạm, chế nhạo cá nhân, hoàn cảnh gia đình... trong thời gian dài.
"H. hiền lành, ít nói và thân thiện lắm. Trước khi xảy ra sự việc, em được biết H. bị bạn bè bắt nạt, nhưng chỉ một phần thôi. Trước đó, một số bạn cùng lớp có xích mích với H., có xúc phạm đến gia đình, bố mẹ của H. bởi từ bố mất sớm, mẹ bỏ nhà đi, từ nhỏ H. được bà nuôi nấng... bạn ấy bị áp lực từ lâu rồi. Nhưng mà H. ít tâm sự, không than thở, toàn giữ một mình nên ít người biết", nam sinh tên D. chia sẻ.
Một học sinh khác cũng xác nhận có thông tin nạn nhân H. từng bị bạo lực tinh thần. "Bạn H. từng xích mích nhiều với một bạn trong trường (PV giấu tên, tạm gọi là T.), đỉnh điểm là việc bạn T. đăng tải dòng trạng thái lên mạng xã hội có nội dung xúc phạm mẹ bạn H, cái gì mà "có mẹ đẻ, nhưng không có mẹ dạy". Sau đó có gửi hình ảnh trang cá nhân của H. cùng dòng trạng thái chuyển cho một người khác nữa?”
Về phía gia đình, bà của học sinh H. chia sẻ, cho biết thông tin bạn bè xích mích, lấy hoàn cảnh gia đình H. để nói bà đã biết, nhưng nghĩ đó là mâu thuẫn, cãi nhau ở lứa tuổi học sinh và ở trường cũng có những trường hợp học sinh có hoàn cảnh tượng tự. Thêm vào đó, H. không tâm sự, chia sẻ hay có biểu hiện bất thường. Chỉ đến khi H. tìm đến cái chết để giải thoát, lúc đó đã quá muộn màng.
Nội dung nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc nữ sinh H tự vẫn |
Cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa
Tại buổi làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí với sự chủ trì, đại diện Sở GD - ĐT tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở cùng các trưởng phòng liên quan.
Trả lời nội dung về việc nữ sinh Đ.T.N.H. tự tử nghi do bị bạo lực tinh thần, đại diện Sở cho biết, ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, phía Sở đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Việt Hà, hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An kiểm tra và thông tin, báo cáo lại nội dung với Sở.
Quá trình nhà trường xác minh, trường THPT Chu Văn An báo cáo, Sở khẳng định không có sự việc nữ sinh H. bị bạo lực tinh thần - bạo lực học đường từ đó dẫn đến cái chết thương tâm, việc thông tin đồn đoán, nghi vấn là thiếu cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở, chủ trì buổi làm việc cho biết sẽ yêu cầu nhà trường kiểm tra, xác minh và thông tin báo chí. Nhiều ý kiến cho rằng, trường THPT Chu Văn An không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc xác minh, nắm bắt thông tin khi vụ việc xảy ra mà còn thiếu trung thực khi báo cáo với Sở GD - ĐT, cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận về vụ việc, nhất là lại liên quan đến tính mạng chính con em của phụ huynh, học sinh của nhà trường?
Được biết, ngay sau vụ việc nam sinh trường IRIS School cùng một số đối tượng đánh hội đồng học sinh cấp 2 hồi giữa tháng 9/2021. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hoá ứng xử trong trường học. Nội dung hội nghị nhấn mạnh về việc chủ động theo dõi, nắm bắt tư tưởng học sinh, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn về giáo dục đạo đức, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh về rèn luyện đạo đức, "dạy chữ đi đôi với dạy người" để từ đó hình thành nét đặc trưng của học sinh Thái Nguyên "Lễ phép - Thân thiện - Trung thực - Trách nhiệm". Đây cũng là nội dung mà Bí thư tỉnh Uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã từng nhấn mạnh và kỳ vọng trước đó.
Có ý kiến, để tạo dựng được nét đặc trưng trên, việc rèn luyện đạo đức, dạy "người" cho học sinh thôi là chưa đủ. Bởi hơn ai hết, chính bản thân những thầy giáo, cô giáo, những con người làm trong môi trường giáo dục cần phải tự rèn luyện chính mình tạo dựng "hệ sinh thái" với sự thân thiện, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực: biết sai, sửa sai và dám nhận sai làm tấm gương cho học sinh noi theo.
Nội dung trả lời của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Thái Nguyên về vụ việc nữ sinh tự vẫn |