BS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết, thai phụ khi đến viện cấp cứu đã vỡ ối, một bàn tay của thai nhi đã lọt ra ngoài vùng kín của thai phụ và đang có dấu hiệu suy thai cấp. Bên cạnh đó, thai phụ lại đang có khối u xơ lớn tại tử cung, nguy cơ đe doạ tính mạng.
Ngay lập tức, ekip trực đưa thai phụ lên bàn mổ, mổ cấp cứu lấy thai. Do khối u xơ tử cung rất lớn, chiếm hết toàn bộ từ eo tử cung đến đáy tử cung và khiến cho thành tử cung rất dày, nên việc tiếp cận lấy thai nhi gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của các bác sĩ, thai nhi đã được đưa ra ngoài an toàn với cân nặng 2,23 kg. Hiện tại sức khỏe 2 mẹ con sản phụ đã ổn định nhưng vẫn được chỉ định nằm tại BV theo dõi thêm.
Có 2 dạng ngôi chính là ngôi dọc và ngôi ngang. Trong đó, ngôi thai ngang là tình trạng thai nhi nằm vắt ngang qua tử cung với phần lưng hoặc vai quay xuống dưới cổ tử cung. Nếu là ngôi ngang thì không thể sinh thường, bắt buộc phải mổ lấy thai.
Dù vậy, các bác sĩ sản khoa luôn khuyến cáo, dù được chẩn đoán là ngôi thai không thuận, thai phụ cũng không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là cần theo sát chỉ dẫn của BS để có xử lý kịp thời, phù hợp.
Việc xác định ngôi thai chỉ có ý nghĩa tại thời điểm thăm khám và sẽ còn biến đổi khi thai phụ chuyển dạ. Ngôi thai được xác định chắc chắn nhất là khi tử cung đã mở từ 2-3cm trở lên.
Do đó BS Thuyết khuyến cáo, đối với các trường hợp sản phụ có nguy cơ đẻ non, ngôi thai bất thường, cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ, thăm khám định kỳ.
Nếu có dấu hiệu chuyển dạ cần đưa đến ngay các cư sở y tế chuyên sâu về sản khoa bởi nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ gây sang chấn cho thai nhi, mất tim thai do sa dây rốn.