Chuyến bay định mệnh
Chiếc Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) lúc 0h41 và dự kiến tới Bắc Kinh (Trung Quốc) khoảng 6h30 cùng ngày.
Tuy nhiên, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, phi cơ mất liên lạc và tín hiệu radar phía trên vịnh Thái Lan.
MH370 xuất hiện trên radar quân sự Malaysia lần cuối khi đang ở biển Andaman, phía tây bắc nước này.
Đến ngày 24/3/2014, dựa trên phân tích tín hiệu vệ tinh Inmarsat, chính phủ Malaysia tuyên bố MH370 đã bay lệch hàng nghìn dặm khỏi lộ trình định sẵn, về phía nam Ấn Độ Dương. Hành trình của nó kết thúc ở tây thành phố Perth của Australia và không còn ai trên khoang sống sót.
Quan chức Malaysia Airlines xác nhận sự việc lúc 7h30 phút cùng ngày. Khi gặp nạn, máy bay chở 38 người Malaysia, 153 người Trung Quốc, 7 người Indonesia, 7 người Australia, 3 người Pháp, 3 người Mỹ, 2 người New Zealand 2 người Ukraine, 2 người Canada và 5 người từ Nga, Italy, Đài Loan, Hà Lan và Áo.
Những cuộc tìm kiếm tốn kém trong suốt 1 năm
Dựa vào đó, một chiến dịch tìm kiếm đắt đỏ nhất trong lịch sử hàng không đã diễn ra ở một trong những nơi sâu nhất thế giới, do Australia dẫn đầu, với sự tham gia hàng chục quốc gia.
Khu vực tìm kiếm MH370 ở phía nam Ấn Độ Dương. Đồ họa: Hồng Duy |
Các tàu thuyền và máy bay hiện đại đã quét khoảng 5 triệu km2 mặt biển Ấn Độ Dương nhưng không thu được kết quả.
Cuộc tìm kiếm dưới nước đã bắt đầu vào tháng 10/2014 và đến nay trên hơn 24.000 km2 đáy biển đã được rà soát bằng các thiết bị dò tìm tín hiệu và phát hiện mảnh vỡ nhưng chưa mang lại kết quả. Cuộc tìm kiếm ở khu vực ưu tiên dự kiến kết thúc vào tháng 5 tới.
Suốt một năm kể từ ngày máy bay mất tích, thân nhân của 239 người trên MH370 đã trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc, từ bàng hoàng, lo lắng, đến đau đớn, phẫn nộ và tuyệt vọng.
Ngày 29/1/2015, Malaysia chính thức tuyên bố chuyến bay MH370 là một tai nạn và toàn bộ 239 hành khách cùng tổ bay được coi như đã thiệt mạng.
Điểm lại dấu mốc quan trọng trong thảm kịch mang tên MH370
0h41 ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cất cánh cùng 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Theo dự kiến, MH370 hạ cánh lúc 6h30 phút cùng ngày tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Gần một giờ sau khi cất cánh, phi cơ mất liên lạc và tín hiệu radar phía trên vịnh Thái Lan.
5h30 phút 8/3/2014, Malaysia triển khai đội tìm kiếm gồm 15 máy bay, bao gồm phi cơ vận tải đa năng Hercules C130 cùng nhiều tàu tới tìm Boeing 777 mất tích.
Ngày 9/3, khu vực tìm kiếm được mở rộng từ Biển Đông tới eo biển Malacca. Các quốc gia Singapore, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Mỹ nỗ lực tìm kiếm. Một ngày sau, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak cam kết làm hết sức để tìm phi cơ mất tích.
Ngày 11/3, điều tra viên Malaysia phát hiện hai người Iran lên máy bay bằng hộ chiếu giả.
Ngày 12/3, quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein cho biết nhiều khả năng MH370 đã bay qua eo biển Malacca đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực.
Ngày 14/3, phạm vi tìm kiếm được mở rộng về phía tây Ấn Độ Dương. Giới chức Malaysia cho biết, thiết bị radar định danh của MH370 có thể đã bị tắt, khiến radar không thể xác định thông tin về máy bay đang di chuyển trên không trung.
MH370 - Thảm kịch hàng không bí ẩn nhất năm 2014 |
Ngày 15/3, chính phủ Malaysia công bố hành lang bay phía bắc và phía nam, nơi MH370 có thể di chuyển tới. Kuala Lumpur xác nhận thông tin động cơ máy bay vẫn hoạt động nhiều giờ sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Malaysia loại bỏ khả năng phi cơ bị không tặc.
Ngày 16/3, Malaysia kêu gọi sự giúp đỡ của 15 quốc gia nằm trên hành lang bay tình nghi phía bắc và phía nam của MH370. Một số nguồn tin cho thấy nghi vấn cơ trưởng định tự sát.
Ngày 18/3, phạm vi tìm kiếm MH370 được xác định là 2,24 triệu hải lý vuông. Ba triệu người tình nguyện tham gia tìm kiếm dấu vết MH370 dựa vào ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp.
Nỗ lực tìm kiếm trên mặt biển được thay thế bằng các hoạt động rà soát đáy biển nhằm xác định mảnh vỡ máy bay.
Tính tới ngày 15/9/2014, các đội tìm kiếm tiếp cận 58 vật thể trong khu vực tình nghi nhưng chưa thể tìm thấy máy bay mất tích.
Ngày 6/10, hoạt động tìm kiếm bước sang giai đoạn mới sau 4 tháng tạm hoãn để thăm dò đáy biển.
Ngày 14/11/2014, Malaysia và Australia tiếp tục cam kết tìm phi cơ. Các tàu chuyên dụng của Hà Lan rà soát vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Malaysia thuê Fugro, công ty của Hà Lan, tìm phi cơ mất tích.
Gần một năm sau sự cố, hôm 5/3/2015, Thủ tướng Australia Tony Abbott đề nghị thu hẹp phạm vi tìm MH370. Phát biểu trước Quốc hội tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Abbott cho biết Australia không thể duy trì tìm kiếm theo cường độ hiện tại nhưng cam kết nỗ lực để làm sáng tỏ vụ việc.
Ngày 8/3/2015 là tròn một năm máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Tuy nhiên, số phận máy bay vẫn là bí ẩn lớn đối với nhân loại. MH370 biến mất không dấu vết cho thấy lỗ hổng cơ bản trong việc theo dõi các chuyến bay đường dài, đặc biệt khi bay qua đại dương.