Theo Tân Hoa xã, từ 5h sáng 28/3 đến 5h sáng 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía Đông và phía Nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ 3h sáng 1/4 đến 3h sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía Tây sông Hoàng Phố.
Giới chức khẳng định biện pháp trên nhằm hạn chế virus lây lan, bảo vệ sức khỏe và đời sống của người dân và đạt mục tiêu sớm đưa số ca mắc bệnh trong cộng đồng về 0. Ở những vùng phong tỏa, các biện pháp chủ yếu được áp dụng ở các cộng đồng, khu dân cư. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà, hoạt động giao hàng thiết yếu không tiếp xúc được phép diễn ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp phục vụ các ngành hàng thiết yếu cho đời sống hằng ngày của người dân và hoạt động của thành phố, sẽ tuân thủ các biện pháp hạn chế trong thời gian phong tỏa hoặc cho nhân viên làm việc từ xa. Các dịch vụ như xe buýt, tàu điện, phà, taxi và dịch vụ gọi xe công nghệ cũng tạm dừng tại các khu vực áp dụng lệnh phong tỏa tạm thời.
Hiện Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia này, chủ yếu do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Dù các dữ liệu ghi nhận về số ca mắc không nhiều như ở các nước khác nhưng cũng là mức cao nhất từng được ghi nhận. Ngày 27/3, Trung Quốc thông báo hơn 4.500 ca mắc mới trong nước, giảm khoảng 1.000 ca so với ngày trước đó nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trung bình số ca mắc mới thường chỉ ghi nhận ở mức 2 con số tại nước này trong suốt 2 năm qua.
Những ngày gần đây, thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân, lớn nhất ở Trung Quốc, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh trong đợt bùng phát dịch lần này, với số ca mắc mới liên tục tăng cao từ đầu tháng 3. Chính quyền thành phố vẫn tìm cách phòng dịch mà không phải phong tỏa toàn bộ thành phố. Giới chức nhấn mạnh cần phải duy trì hoạt động của thành phố cảng cũng như đảm bảo chức năng trung tâm tài chính không bị gián đoạn.