Thế giới có trên 173,9 triệu người mắc COVID-19 đã bình phục

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 18/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 190.955.680 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.101.977 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 173.958.383 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.715 ca tử vong trong tổng số hơn 34,9 triệu ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc với 31,10 triệu ca song đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong với 413.640 ca. Với 541,323 ca tử vong trong tổng số hơn 19,34 triệu ca mắc, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong và đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á khi biến thể Delta lây lan mạnh. Bộ Y tế Lào ngày 18/7 thông báo thêm 131 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Cũng trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 1 ca tử vong do COVID-19. Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 3.426 ca mắc COVID-19 và 5 người tử vong.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia đã lên tới 1.106 ca sau khi có thêm 30 bệnh nhân không qua khỏi. Campuchia cũng ghi nhận thêm 845 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 67.181 ca.

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 11.397 ca mắc mới và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 403.386 ca và 3.341 ca. Chính phủ Thái Lan thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp hạn chế sang 3 tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao để phòng dịch COVID-19, sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy trong ngày thứ 3 liên tiếp. Thái Lan cũng vừa ra lệnh ngừng các chuyến bay nối Bangkok với các tỉnh có nguy cơ COVID-19 cao, bắt đầu từ ngày 21/7 tới, ngoại trừ các chuyến bay y tế, hạ cánh khẩn cấp và các chuyến bay liên quan đến chương trình mở cửa lại du lịch. Các chuyến bay nội địa khác chỉ được khai thác ở mức 50% công suất.

Bộ Y tế Malaysia ngày 18/7 thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 153 ca tử vong do mắc COVID-19 - mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, đưa tổng số người tử vong lên 7.019 người. Malaysia cũng có thêm 10.710 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 916.561.

Indonesia ghi nhận thêm 44.721 ca mắc mới và 1.093 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 2.877.476 ca và 73,582 ca. Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) hy vọng chính phủ sẽ gia hạn và mở rộng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng khẩn cấp. Lệnh này được áp dụng từ ngày 3/7 và dự kiến kéo dài đến ngày 20/7.

Bộ Y tế Singapore cũng thông báo nước này có thêm 88 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, chủ yếu do số ca nhiễm mới tăng nhanh liên quan đến quán bar, karaoke KTV và cảng cá Jurong. Để phòng ngừa, nhà chức trách Singapore ngày 18/7 đã quyết định đóng các cửa hàng bán cá tươi và hải sản trên toàn bộ các khu chợ, đồng thời xét nghiệm COVID-19 cho các chủ quầy.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang phải đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 18/7 thông báo có thêm 1.454 ca mắc mới, mức cao nhất trong các ngày Chủ nhật từ trước tới nay (ngày cuối tuần thường có ít người làm xét nghiệm hơn). Đến nay Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 177.951 ca mắc COVID-19. Trong nỗ lực khống chế đà lây lan của dịch COVID-19 trên toàn quốc, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết nước này sẽ cấm tụ tập hơn 4 người ở các khu vực bên ngoài thủ đô Seoul và vùng phụ cận từ ngày 19/7.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 5 khi chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là khai mạc Olympic. Ngày 18/7, nhà chức trách Tokyo ghi nhận có thêm 1.008 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp thành phố này ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày. Trước đó một ngày, Tokyo đã ghi nhận 1.410 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 21/1 (ghi nhận 1.485 ca). Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã xác nhận 2 ca đầu tiên mắc COVID-19 trong số các vận động viên đang lưu trú tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo và 1 vận động viên không lưu trú tại đây.

Tại châu Âu, Nga ngày 18/7 ghi nhận thêm 25.018 ca mắc mới, trong đó có 4.357 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này từ khi đại dịch bùng phát lên 5.958.133 trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 764 ca tử vong, nâng tổng số lên 148.419 người.

Cùng ngày, người phát ngôn văn phòng Thủ tướng Anh thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ tự cách ly theo hướng dẫn phòng chống dịch quốc gia sau khi được xác định đã tiếp xúc gần với một người mắc COVID-19. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cũng thực hiện cách ly tương tự Thủ tướng Johnson. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 5.386.340 ca mắc, trong đó có 128.683 ca tử vong.

Liên quan tình hình tiêm chủng, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại khu vực này đã được đẩy nhanh và hiện EU đã vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân. Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cho biết trong tuần này, EU đã vượt Mỹ về tỷ lệ người dân được tiêm vaccine và hiện trở thành châu lục có số người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune dẫn số liệu của trang mạng Our World in Data nêu rõ EU hiện có 55,5% số người dân được tiêm mũi 1 vaccine, so với mức 55,4% ở bên kia Đại Tây Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.