Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với trên 81,7 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (659.570 ca). Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 178,1 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với trên 139,3 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận trên 96,5 triệu ca mắc và trên 1,4 triệu ca tử vong trong khi các con số này ở Nam Mỹ hiện là trên 56 triệu ca mắc và trên 1,2 triệu ca tử vong.
Tại Australia, làn sóng dịch do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron tiếp tục lan rộng trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào mùa Đông. Theo thống kê, số ca tử vong do COVID-19 tại Australia có chiều hướng tăng. Bang đông dân nhất Australia - New South Wales (NSW) ngày 31/3 ghi nhận 22.107 ca mắc mới và 17 ca tử vong. Đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất ghi nhận tại bang này. Theo Giám đốc về dịch tễ học thuộc Đại học Nam Australia, Tiến sĩ Adrian Esterman, làn sóng dịch hiện tại ở NSW dường như đang tiến tới mức đỉnh, với chỉ số lây (Rt) 1,01.
Tại Nhật Bản, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tái bùng phát. Ngày 30/3, nước này ghi nhận thêm 53.753 ca mắc, tăng 12.000 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca bệnh mới ở nước này gia tăng. Riêng tại thủ đô Tokyo, số ca mắc mới tăng 1,5 lần so với một tuần trước đó lên 9.520 ca. Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 bình quân trong tuần từ 24 - 30/3 cũng tăng 21,1% lên 7.622,6 ca/ngày.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dự đoán mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 trên toàn thế giới sẽ giảm theo thời gian. Trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã đưa ra những điều chỉnh chiến lược mà mọi quốc gia cần thực hiện nhằm loại bỏ các tác nhân gây lây truyền virus SARS-CoV-2, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.
Cùng ngày, giới chuyên gia nhận định nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tái mắc COVID-19 là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể được cho là có khả năng "né tránh" các "hệ thống phòng thủ", vốn được hình thành từ các lần lây nhiễm cũ. Rất may, hầu hết người mắc COVID-19 lần thứ hai ít khi diễn tiến nặng. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy việc nhiễm Omicron và tiêm vaccine sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt hơn chống lại nguy cơ lây nhiễm mới. "Hàng rào" bảo vệ nhờ tiêm chủng và việc từng lây nhiễm trước đó đã giúp ngăn virus xâm nhập sâu vào cơ thể, gây ra những tổn thương nghiêm trọng.
Liên quan đến vaccine, các chuyên gia y tế khuyến nghị người trên 50 tuổi thận trọng khi tiêm mũi thứ 4. Dù Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cho phép người trên 50 tuổi được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường thứ 2, song nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hiện cho rằng một số đối tượng trẻ và khỏe hơn trong nhóm trên không nên vội vã tiêm mũi thứ 4 này. Theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, với người 50 tuổi thì tiêm 3 mũi là tương đối đủ, do đó cần có khoảng thời gian trước khi cân nhắc tiêm mũi tăng cường bổ sung để nhắc lại hệ miễn dịch.
Trong nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Y khoa New England, các nhà khoa học cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi đã giúp làm giảm hơn 2/3 số ca nhập viện cũng như ngăn bệnh trở nặng ở lứa tuổi này trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy 88% ca nhập viện vì COVID-19 là những người chưa tiêm chủng và 25% trường hợp bệnh trở nặng cần trợ thở. Ở nhóm trẻ 5-11 tuổi nhập viện vì COVID-19, 92% chưa tiêm phòng, 16% bệnh trở nặng cần trợ thở, trong số này 90% chưa tiêm chủng. Ở nhóm tuổi từ 12-18 phải nhập viện vì COVID-19, 87% chưa tiêm phòng, 27% bệnh trở nặng, trong đó 93% chưa tiêm chủng và có 2 trẻ tử vong.
Sau khi quan sát, các nhà nghiên cứu kết luận rằng ở nhóm trẻ 5-11 tuổi, việc tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech mang lại hiệu quả bảo vệ không phải nhập viện lên tới 68% trong thời gian biến thể Omicron hoành hành. Do nhóm lứa tuổi này mới gần đây được phép tiêm vaccine, nên vẫn chưa đủ số lượng trẻ để đưa ra đánh giá riêng về bệnh trở nặng.
Ở nhóm thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi, việc tiêm phòng mang lại hiệu quả bảo vệ tới 92%, giúp không phải nhập viện do biến thể Delta và tỉ lệ này là 40% ở những người mắc biến thể Omicron. Việc tiêm chủng cũng mang lại hiệu quả 96% trong ngăn bệnh trở nặng trong giai đoạn biến thể Delta lây lan và 79% trong thời gian biến thể Omicron hoành hành.
Tiếp tục các biện pháp sống chung an toàn với COVID-19, Pakistan đã cho dừng hoạt động Trung tâm chỉ huy và điều hành quốc gia (NCOC), cơ quan giám sát việc ứng phó với dịch vì số ca mắc mới tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020. Trong ngày 31/3, quốc gia Nam Á này ghi nhận 244 ca mắc mới, với tỷ lệ lây nhiễm là 0,82%. Cách thức ứng phó với COVID-19 của Pakistan đã được các chuyên gia y tế và cơ quan quốc tế công nhận là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất trên toàn cầu. Trước đó, từ ngày 16/3, Pakistan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tại Thái Lan, du khách nhập cảnh từ ngày 1/4 sẽ không cần làm xét nghiệm trước khi khởi hành. Tuy nhiên, những người nhập cảnh theo một trong các chương trình “Xét nghiệm & Lên đường” (Test & Go), “Hộp cát” (Sandbox) và Cách ly sẽ vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR khi đến. Họ cũng được yêu cầu tự xét nghiệm bằng phương pháp kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến và theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú. Ngoài ra, du khách đến theo chương trình “Hộp cát” phải ở tại khu vực được chỉ định trong 5 ngày. Du khách đến theo chương trình cách ly, kể cả những người bị bắt khi nhập cảnh bất hợp pháp, sẽ bị cách ly trong 5 ngày và làm xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 4 hoặc thứ 5 sau khi đến.
Tại Myanmar, các trường đại học và cao đẳng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/5 tới sau 2 năm tạm thời đóng cửa do đại dịch COVID-19 hoành hành. Thông báo của Bộ Giáo dục Myanmar cho biết các sinh viên đã trúng tuyển năm học 2019-2020 cũng có thể nhập học các lớp năm thứ nhất. Các khóa học cho sinh viên bán thời gian của các trường đại học nói trên sẽ mở lại trong tháng 9 và 10. Trong khi đó, tháng 11, các trường đại học sẽ đón sinh viên năm nhất là các em trúng tuyển kỳ thi đầu vào năm học 2021-2022. Thông báo này được đưa ra sau khi Myanmar nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bao gồm cho phép tụ tập đến 400 người tại các nơi công cộng.
Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hối thúc thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần nhanh chóng hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong khi vẫn kiên trì chính sách "Zero COVID năng động". Các quan chức ở những khu vực có dịch bùng phát nghiêm trọng nên coi công tác kiểm soát COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và những người khiến dịch bệnh bùng phát vượt tầm kiểm soát phải chịu trách nhiệm.