Sau một năm khốc liệt với hơn 1,7 triệu người chết vì đại dịch COVID-19, có lẽ những thông tin về vaccine vẫn không đủ truyền tải những năng lượng tích cực cho thế giới dù đang là dịp lễ Giáng sinh.
Tại Australia, quốc gia từng là điểm sáng hiếm hoi về kiểm soát tốt dịch bệnh, một loạt ca mắc mới bùng phát tại phía bắc thành phố Sydney khiến người dân ở các vùng ngoại ô ven biển bị hạn chế đi lại và không thể đi thăm gia đình.
Jimmy Arslan, người sở hữu hai quán cà phê ở tâm dịch của Sydney, cho biết hoạt động buôn bán đã giảm 75% và ông không thể về thăm gia đình ở thủ đô Canberra.
"Thật đau lòng. Đó là một kết cục rất, rất chua chát cho một năm chua chát", người đàn ông 46 tuổi nói. "Chúng ta hãy cùng đá đít năm 2020 và chào đón năm 2021".
Còn tại châu Âu, phần lớn lục địa già đang phải trả qua một mùa đông đen tối khi làn sóng dịch bệnh thứ hai hoặc thứ ba đang lên tới đỉnh điểm.
Đức đã buộc phải hủy bỏ các khu chợ Giáng sinh nổi tiếng của mình còn Giáo hoàng Francis có kế hoạch đẩy thánh lễ vào nửa đêm Giáng sinh của Vatican lên trước hai giờ để đáp ứng quy định giới nghiêm của Ý.
Tại Bethlehem - nơi các tín đồ Công giáo tin rằng là nơi Chúa Jesus hạ phàm, thánh lễ sẽ được tổ chức mà không có các con chiên và chỉ được phát trực tuyến.
Ông Nicolas al-Zoghbi, người đã đến thăm Nhà nguyện Thánh Catherine ở Bethlehem trước lễ Giáng sinh, cho biết sự vui vẻ của mùa giải đã bị thay thế bằng "không khí ảm đạm".
"Chúng tôi hy vọng Chúa sẽ xóa bỏ dịch bệnh này, chỉ cần loại bỏ nó để chúng ta có thể trở lại cuộc sống trước đây của mình", ông al-Zoghbi chia sẻ.
Kỳ nghỉ cách ly
Dù đã rất quen thuộc với cảnh phải sống một mình vào thời điểm phong tỏa hoặc bị cách ly, thế nhưng với nhiều người, cảm giác cô đơn vẫn còn ám ảnh họ cho tới tận lễ Giáng sinh. Chính phủ Bỉ đã giới hạn số lượng người dân tới thăm nhau xuống chỉ còn một.
Ở Philippines, quốc gia đa số theo Công giáo, một số người chọn nghỉ lễ một mình vì nguy cơ nhiễm COVID-19 trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như các quy tắc kiểm dịch khiến việc đi lại tốn kém thời gian và chi phí.
Cô Kim Patria (31 tuổi), sống một mình ở Manila cho biết: “Tôi sẽ gọi đồ ăn, xem lại những bộ phim cũ và trò chuyện với gia đình qua video".
Trong khi đó, người dân Anh còn bị cô lập với phần còn lại của châu Âu do sự xuất hiện của một chủng virus mới. Một số hạn chế biên giới của Vương quốc Anh đã tạm thời được nới lỏng trong kỳ nghỉ lễ, nhưng hàng nghìn người từ các quốc gia châu Âu khác vẫn bị mắc kẹt ở Anh.
Còn ở Mỹ, hơn một triệu người hiện đã được tiêm chủng, nhưng dư luận đang hết sức lo lắng do Tổng thống Donald Trump đã gây sốc bằng cách bác bỏ gói cứu trợ COVID-19 đã được Quốc hội thông qua.
Các lễ kỷ niệm mừng năm mới 2021 cũng đang có nguy cơ bị hủy bỏ do tác động của đại dịch. Các quốc gia như Scotland, Bắc Ireland và Áo sẽ tiến hành phong tỏa sau khi Giáng sinh kết thúc, trong khi Bồ Đào Nha sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm vào đêm Giao thừa.
Hiện tại, chính quyền thành phố Sydney vẫn có kế hoạch chào đón năm 2021 với màn bắn pháo hoa nổi tiếng của mình ở Cầu cảng Sydney. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cam kết màn bắn pháo hoa kéo dài 7 phút sẽ tiếp tục "bất kể điều gì". Nhưng người dân lại được khuyến cáo chỉ nên thưởng thức pháo hoa qua truyền hình.