Ông Lei Yixun, Giám đốc Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam, giới thiệu bản đồ dọc mới - Ảnh: Tân Hoa xã |
Nhà xuất bản tỉnh Hồ Nam mới đây đã xuất bản một tấm bản đồ dọc, trong đó bao gồm đường lưỡi bò phi lý (trước đây là đường 9 đoạn nay trở thành đường 10 đoạn) "nuốt trọn" cả biển Đông, theo trang tin Rapplers (Philippines). Manila cho rằng không có quốc gia nào trên thế giới công nhận yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Cơ quan quản lý bản đồ và khảo sát của chính quyền Trung Quốc đã phê chuẩn bản đồ dọc, cho biết bản đồ này là nhằm bảo vệ cái gọi là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Dự kiến bản đồ này còn được dùng trong trường học ở Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 25.6.
Ông Charles Jose, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết bản đồ dọc của Trung Quốc rõ ràng vi phạm luật quốc tế, cụ thể là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
“Bản đồ dọc thể hiện chính sách bành trướng của Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông”, ông Jose cho hay.
“Chúng ta nên lưu ý rằng không có một quốc gia trên thế giới nào công nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Vì thế việc xuất bản bản đồ dọc không giúp Trung Quốc biến những vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền trở thành của họ”, ông Jose nói.
Ông Herminio Coloma Jr, Thư ký Văn phòng thông tin liên lạc của Tổng thống Philippines, cho biết việc Trung Quốc xuất bản bản đồ dọc gây bất ổn khu vực.
Philippines đã làm đơn kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc vào năm 2013. Manila ngày 19.6 tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật biển (ITLOS) xúc tiến giải quyết sớm đơn kiện của Philippines trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ đơn kiện của Philippines, tuyên bố không tham gia phiên phân xử.
Trước đó, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã phân tích các bản đồ cổ Trung Quốc, và đưa ra kết luận vào ngày 11.6 là tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò phi lý nuốt trọn cả biển Đông không hề được thể hiện trên đó.
Ông Lee Yunglung, Học viện biển Đông (Trung Quốc), nhận xét rằng Trung Quốc dùng bản đồ mới này để kiểm tra phản ứng từ các nước láng giềng, vốn có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên biển Đông.
Theo ông Lee, động thái công bố bản đồ mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền Trung Quốc.
“Bản đồ này được một nhà xuất bản nội địa in ấn giúp Bắc Kinh tránh được sự phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng”, ông Lee nói.
Nếu không có nước nào phản ứng gay gắt, đây sẽ là cơ hội để chính quyền Trung Quốc chính thức hợp pháp hóa bản đồ này, theo ông Lee.
“Ở trong nước, bản đồ này sẽ giúp tăng cường nhận thức trong người dân Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Và nó sẽ trở thành một bằng chứng để tăng cường và củng cố những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, ông Lee nhận định.
Trên bình diện quốc tế, bản đồ thể hiện với các nước láng giềng rằng Trung Quốc xem trọng lãnh thổ trên biển tương tự như trên đất liền, ngụ ý Bắc Kinh sẽ phản ứng lại những vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 24.6 cho biết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, chứ không phải “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
Tình hình biển Đông trở nên căng thẳng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam. Tàu Trung Quốc còn hung hăng đâm chìm tàu Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan.