Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT nói chung, việc triển khai BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) cũng dần được hoàn thiện với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Với sự điều chỉnh trong Luật BHYT 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), HSSV trở thành nhóm đối tượng "bắt buộc" tham gia BHYT. Ngay trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, nhóm HSSV đã được lựa chọn là một trong nhóm đối tượng sớm nhất cần đạt mức bao phủ BHYT 100%…
Có thể nói, việc đặt trọng tâm vào nhóm đối tượng tiềm năng này không chỉ là quyết tâm của Chính phủ nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, mà còn hướng tới mục tiêu: Thông qua BHYT bảo đảm thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất.
Theo thống kê, riêng trong năm học 2021-2022, cả nước có khoảng 18,8 triệu em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96% tổng số HSSV. HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí KCB, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng.
Với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Toàn ngành BHXH Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV. Theo lộ trình mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT của Luật BHYT, gần 19 triệu HSSV cũng đang được thụ hưởng nhiều chính sách mới, với mức quyền lợi Khám chữa bệnh (KCB) BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn.
Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ đầu năm 2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.
Cùng với đó, từ tháng 6/2021, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng "VssID- BHXH số", thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi làm thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai sử dụng Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT...