Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan đã phát triển thiết bị cấy ghép chứa 1.024 điện cực - dây dẫn mang dòng điện vào và ra não, và cấy chúng vào vỏ não thị giác, phần não xử lý thông tin thị giác, ở hai con khỉ.
Bằng cách gửi các tín hiệu điện đến não khỉ, các nhà nghiên cứu đã tạo ra "phosphene" - các chấm ánh sáng có thể được não "nhìn thấy" hoặc cảm nhận được và có thể được sử dụng để tạo ảo giác về hình dạng và đồ vật.
Trưởng nhóm nghiên cứu Pieter Roelfsema cho biết họ muốn chứng minh rằng có thể tạo ra "hình ảnh của các đối tượng" thông qua kích thích điện trực tiếp của não, bởi vỏ não thị giác có "một loại bản đồ trực quan về không gian."
Các nhà nghiên cứu cho biết những con khỉ đã thực hiện một loạt nhiệm vụ và bằng cách sử dụng thị giác nhân tạo của mình, chúng có thể nhận ra hình dạng và "nhận thức" bao gồm các đường thẳng, dấu chấm chuyển động và chữ cái.
Nhóm nghiên cứu cũng tin rằng một ngày nào đó công nghệ như vậy có thể được sử dụng để mô phỏng thị giác ở những người mù đã có thể nhìn thấy vào một thời điểm nào đó trong đời của họ.
Theo ông Roelfsema, khi mắt người ngừng hoạt động và mất thị lực, vỏ não của họ sẽ bị tước đi đầu vào.
“Những gì bạn làm sau đó là bỏ qua đôi mắt bị trục trặc và trực tiếp đưa những hình ảnh mà bạn thường thấy vào vỏ não thị giác. Nếu bạn kích thích bằng một điện cực, bạn sẽ nhận được một chấm sáng. Nếu bạn kích thích bằng một mẫu điện cực, bạn có thể tạo ra một hình dạng của những chấm này, và từ những hình dạng này, bạn có thể tái tạo những hình ảnh có ý nghĩa", ông Roelfsema nói.
Trong tương lai, một người có thể mang một chiếc máy ảnh trên kính của họ có thể chuyển hình ảnh thành các mẫu kích thích điện cho não và gửi chúng đến các điện cực.
"Các điện cực sau đó sẽ kích hoạt các tế bào thích hợp và người đó có thể nhìn thấy một chiếc xe đang chạy tới hoặc một người đang đi trên đường. Nó sẽ tạo ra một dạng thị giác", ông Roelfsema chia sẻ và bày hy vọng công nghệ này sẽ sẵn sàng để thử nghiệm trên người vào năm 2023.