Phương thức xét tuyển tài năng của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 đối tượng: Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (diện 1.1); xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB (diện 1.2); xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn (diện 1.3).
Đáng chú ý, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tài năng dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn (diện 1.3) năm nay là 4.566 thí sinh, chiếm 79% tổng số thí sinh tham gia phương thức xét tuyển tài năng, tăng gần gấp 2 lần năm 2023. Trong khi đó, năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến là 9.260 sinh viên và dành khoảng 20% cho phương thức xét tuyển tài năng.
Các thí sinh thuộc đối tượng đăng ký xét tuyển tài năng theo diện 1.3 là thí sinh có điểm trung bình chung học tập các môn văn hóa (trừ 2 môn Thể dục và Giáo dục quốc phòng an ninh) từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 đạt 8.0 trở lên và đáp ứng một trong những điều kiện sau: Được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đoạt giải Nhất, Nhì, Ba hoặc Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức (hoặc tương đương do các Đại học quốc gia, Đại học vùng tổ chức) các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ, Tổ hợp trong thời gian học Trung học phổ thông; được chọn tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức từ vòng thi tháng trở lên; có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương) được đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý, Công nghệ Giáo dục, Quản lý Giáo dục; học sinh hệ chuyên (gồm chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường Trung học phổ thông và Trung học phổ thông chuyên trên toàn quốc, các lớp chuyên, hệ chuyên thuộc các trường đại học, Đại học quốc gia, Đại học vùng.Các ngành nhận được nhiều hồ sơ đăng ký năm nay gồm: IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kỹ thuật máy tính), EE2 (Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa), ET1 (Kỹ thuật Điện tử Viễn thông) và MS2 (Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano). Đây là các nhóm ngành thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh trong nhiều năm qua.
Theo Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất năm nay là Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Điện - Điện tử, chiếm gần 55% tổng số hồ sơ xét tuyển tài năng diện 1.3.
Trong ngày 23/5, thí sinh sẽ nhận được thông báo về kết quả rà soát hồ sơ, điểm thưởng và lịch phỏng vấn chi tiết vào ngày 26/5/2024 qua email đã đăng ký trên hệ thống.
Để phỏng vấn hơn 4.500 thí sinh xét tuyển tài năng diện 1.3, gần 500 cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tham gia 2 kíp phỏng vấn vào sáng và chiều 26/5.
Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, để đạt kết quả tốt trong buổi phỏng vấn vào ngày 26/5 tới đây, các thí sinh cần có tác phong chỉn chu, tham gia phỏng vấn đúng giờ, trang phục lịch sự; phong thái bình tĩnh, tự tin. Các em cần kiểm tra lại thiết bị (máy tính, webcam, microphone), chất lượng kết nối internet trước buổi phỏng vấn. Đồng thời, chuẩn bị kỹ các thông tin nền tảng về Đại học Bách khoa Hà Nội, về ngành đào tạo đăng ký xét tuyển; xác định định hướng tương lai của bản thân và kế hoạch học tập.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Sau khi hoàn thành nội dung phỏng vấn và được trực tiếp trao đổi với các thầy cô trong Hội đồng tuyển sinh, từ ngày 27 – 31/5, thí sinh có thể cân nhắc điều chỉnh lại ngành học phù hợp dựa trên các yếu tố như: sở thích, tính cách và năng lực của bản thân, khả năng trúng tuyển...