Thị trường chứng khoán Việt Nam - Chậm lại để tiến xa hơn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động không mấy tích cực từ vĩ mô trong nước và trên thế giới, do đó đã "chững lại" với những phiên tăng, giảm đan xen.
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động không mấy tích cực từ vĩ mô trong nước và trên thế giới, do đó đã "chững lại" với những phiên tăng, giảm đan xen. (Ảnh minh hoạ)
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động không mấy tích cực từ vĩ mô trong nước và trên thế giới, do đó đã "chững lại" với những phiên tăng, giảm đan xen. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định, thông qua sự cải thiện về thanh khoản cũng như số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới gia tăng tích cực. Với mức nền thấp của năm 2023, cùng những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng thị trường chứng khoán được kỳ vọng hồi phục tích cực trong năm 2024.

Tiền đề để hồi phục

Năm 2023, VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% kể từ đầu năm; HNX-Index đóng cửa năm tại 231,04 điểm, tăng hơn 12,5%; UPCoM-Index đạt 87,04 điểm, tăng hơn 21%.

Với kết quả này, theo chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) Lê Ngọc Hưng, thị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu quả đầu tư tốt hơn các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Philippine…

Sau quý đầu năm khá bình lặng, thanh khoản thị trường quý II và quý III/2023 đã có sự khởi sắc, khi giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 7 đạt 21.166 tỷ đồng; trong tháng 8 đạt 25.667 tỷ đồng và trong tháng 9 đạt 25.264 tỷ đồng.

Trong quý cuối năm, thanh khoản thị trường có giảm, do tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau chu kỳ tăng dài, cũng như các yếu tố không tích cực từ thị trường thế giới, lui xuống dưới 20.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, những phiên thị trường giảm mạnh thanh khoản đều tăng rất cao, cho thấy nhà đầu tư vẫn chờ đợi cơ hội để bắt đáy cổ phiếu.

Thực tế, thị trường chứng khoán vẫn có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư. Theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ tính đến hết tháng 11, tổng số tài khoản chứng khoán vẫn tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục nhất định sau khi đã giảm mạnh trong năm 2022.

Điểm qua thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023, có một số điểm sáng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Qua đó cũng thể hiện rõ quyết tâm đưa thị trường chứng khoán tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong giai đoạn 2024-2025.

Việt Nam đã chính thức vận hành thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung, là một bước quan trọng trong tiến trình phát triển thị trường trái phiếu ngày càng minh bạch, tin cậy và an toàn với nhà đầu tư.

Trong năm 2023, những vấn đề “nóng” liên quan tới thanh khoản trên thị trường trái phiếu đã phần nào được điều chỉnh phù hợp thông qua những quy định mới của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để các doanh nghiệp thực sự hồi phục và thanh khoản gốc và lãi vay cho trái chủ trong tương lai.

Điểm đáng chú ý nữa là việc Việt Nam đã thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong năm 2023; chủ động điều hành giảm dần lãi suất huy động và cho vay trong nền kinh tế góp phần giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Điều này giúp doanh nghiệp dần hồi phục hoạt động về cuối năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng đảm bảo, tỷ giá và lạm phát được kiểm soát tốt về cuối năm, đây chính là tiền đề để thị trường chứng khoán hồi phục trong thời gian tới.

Đánh giá về thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 vẫn tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thị trường chứng khoán vẫn duy trì sự ổn định, an toàn và tiếp tục thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thu hút sự tham gia tích cực của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, ngành chứng khoán đã đạt được bước tiến đúng đắn là hướng tới thị trường minh bạch, phát triển lành mạnh và công bằng. Nhiều vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức tối đa, những vi phạm hình sự đã được chuyên sang cơ quan điều tra.

Thứ trưởng khẳng định, điểm sáng của thị trường chứng khoán trong năm qua chính là việc kiên quyết lập lại trật tự thị trường, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, đưa chủ thể thị trường vào khuôn khổ pháp lý, tuân thủ quy luật của thị trường.

Còn nhiều yếu tố tích cực

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CSI, năm 2024 được kỳ vọng sẽ ghi nhận sự hồi phục tích cực trở lại của nền kinh tế Việt Nam nói chung và có thể là năm thuận lợi cho sự tăng trưởng cao của thị trường chứng khoán từ nền thấp của chỉ số VN-Index cuối năm 2023.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2024 có thể kể đến như: Xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, điển hình là Cục Dự trữ liên bàng Mỹ (Fed) sẽ tạo ra những thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp và giảm dần, tỷ giá VNĐ ổn định, có điều kiện tăng dự trữ ngoại hối, tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).

Dựa trên nền tảng vĩ mô đó, doanh nghiệp niêm yết có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay giá rẻ, góp phần hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung sẽ có nhiều dư địa để tăng trưởng khi dòng vốn trong nền kinh tế có sự dịch chuyển tích cực vào kênh này.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hồi phục kinh tế thông qua chính sách tài khoá khi tiếp tục giảm thu (miễn giảm thuế VAT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, giảm tiền thuê đất…) và tăng chi (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề và doanh nghiệp trong nền kinh tế).

Việt Nam cũng là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vĩ mô ổn định, đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ, phát triển hơn nữa với nước láng giềng Trung Quốc và giữ quan hệ mật thiết với các khối kinh tế lớn thông qua các hiệp định thương mai tự do…

”Dòng vốn FDI, FII sẽ là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Ngọc nhận định.

Theo ông Ngọc, sự hồi phục chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản… sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá Việt Nam, là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hồi phục trở lại sau thời kỳ khó khăn của năm 2023, giao thương quốc tế sẽ hồi phục tích cực, thu ngoại tệ từ xuất khẩu gia tăng trở lại.

Kinh tế trong nước hồi phục cũng có thể kéo theo nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục, các doanh nghiệp hồi phục theo chu kỳ có cơ hội hồi phục điển hình như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng…

Với những giải pháp quyết liệt trong phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần đây, hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ phát triển ngày càng chuyên nghiệp, xu hướng phát triển sẽ bền vững hơn khi thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện được cơ cấu nhà đầu tư, hệ thống sản phẩm, khuôn khổ pháp lý đầy đủ, khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoái rộng mở hơn…

Chuyên gia phân tích tới từ MBS, ông Lê Ngọc Hưng cho rằng, những yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó. Ông Hưng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024 với tổng mức giảm khoảng 100 điểm cơ bản xuống mức 4,5% cuối năm 2024. Thông trường lãi suất thấp sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.

Vị chuyên gia này cũng kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.

MBS cho biết, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Cùng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thành thị trường mới nổi của Việt Nam, chuyên gia từ MBS nhận định.

Về phía cơ quan quản lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thiện việc xây dựng khung khổ pháp lý cho thị trường, vừa đảm bảo phù hợp với các điều kiện, bối cảnh thực tế, vừa mang tính kiến tạo dài hạn cho tương lai.

Đồng thời,Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật thị trường thông qua giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý điều hành, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững hơn; trong đó, sẽ chú trọng hơn nữa việc tái cơ cấu hiệu quả thị trường và ứng dụng công nghệ thông tin.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).