Theo đó, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 21.123 xe, bao gồm 13.549 xe du lịch; 6.357 xe thương mại và 1.217 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 5%; xe thương mại giảm 8% và xe chuyên dụng giảm 8% so với tháng trước.
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 17.910 xe, giảm 5% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.213 xe, tăng 37% so với tháng trước.
Thị trường ô tô nhập khẩu tính đến hết tháng 3/2018 giảm 47%. |
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2018 giảm 7% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 2%; xe thương mại giảm 18% và xe chuyên dụng giảm 36% so với cùng kì năm ngoái.
Tính đến hết tháng 3/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 8% trong khi xe nhập khẩu giảm 47% so với cùng kì năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2018, theo cam kết FTA mà Việt Nam ký kết, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN giảm về 0%, vì vậy người tiêu dùng trong nước kỳ vọng có thể mua xe với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, với những quy định của Nghị định 116/2017 do Chính phủ ban hành giữa tháng 10/2017 yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đáp ứng một số loại giấy tờ để có thể nhập khẩu xe từ 1/1/2018 khiến thị trường xe nhập khẩu “đóng băng” một thời gian. Đến tháng 3/2018, lô xe nhập khẩu của Honda về Việt Nam, dự tính tháng 5/2018 sẽ giao xe cho khách hàng.
Các doanh nghiệp khác như Ford, Suzuki... cũng đang ráo riết tiến hành nhập khẩu ô tô từ Thái Lan. Cùng đó, các DN cũng đang chờ đợi Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ các cơ quan chức năng của Indonesia, Malaysia để nhập về một số mẫu xe chủ lực. Do đó, có thể nói, tính đến nay, thị trường ô tô nhập khẩu vẫn còn khá khan hiếm. Trong khi đó, nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước cũng nhanh chóng tận dụng ưu thế, tung ra những chiêu khuyến mại nhằm thu hút khách hàng, điều này lí giải vì sao tính đến hết tháng 3/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 8% trong khi xe nhập khẩu giảm 47% so với cùng kì năm ngoái.