Trước thông tin Cục Quản lý Dược đã có công văn thông báo tới các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Người tiêu dùng hiện tại rất hoang mang trước thông tin, có hay không chất tạo nạc trong thị lợn ngoài thị trường.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông Thịnh khẳng định: “Chất tạo nạc chủ yếu gây độc cho nội tạng bên trong cơ thể như gan… Trong một chừng mực nhất định khi tích lũy chất này sẽ có thể gây ra ung thư”.
Bà nội trợ hoang mang trước thông tin chất tạo nạc có trong thịt lợn bị cấm
Ngay lập tức, thịt trường thịt lợn có biến động. Tại các chợ từ lớn đến nhỏ, các bà nội trợ đều xôn xao trước thông tin trên, giá thịt lợn cũng vì thế mà giảm đi ít nhiều. Khảo sát tại các chợ Khâm Thiên, chợ hôm Đức Viên sáng ngày 24/3, giá thịt lợn tại đây đã giảm 2000 - 5000 ngàn đồng so với ngày hôm qua.
Tại chợ Hôm - Đức Viên, có lễ hôm nay là một ngày buồn của các tiểu thương buôn bán thịt lợn. Bà Nguyễn Thị H., một tiểu thương tại đây cho biết, từ sáng sớm cho tới trưa ngày hôm nay, lượng người tìm đến thịt lợn rất ít. Thậm chí, bà H. chỉ bán được 1/2 so với những ngày trước đó. Đấy cũng là tình trạng chung của các tiểu thương khác tại chợ này.
Bà H. chia sẻ: "Chẳng hiểu thông tin từ đâu nói thịt lợn có chất gây ung thư nên từ sàng tới giờ chẳng có mấy ai mua. Tôi chẳng biết người khác thế nào chứ tôi bán ở đây bao nhiêu năm rồi, tôi đảm bảo chẳng có chất gây ung thư nào hết (?!)".
Tất nhiên đó là nhận định của người bán, còn với người mua thì họ lại hoang mang, kiêng dè trước thịt lợn.
Cô Liên (Hàm Long, HN) cho rằng: "Thịt lợn là món quá quen thuộc của người Việt rồi. Liệu thử hỏi có người Việt Nam nào mà không từng ăn thịt lợn như thế không. Trước đó, tôi đọc được thông tin ăn thịt lợn có chất cấm có thể gây ung thư mà rụng rời cả chân tay, hoang mang lắm".
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận các bà nội trợ không mấy quan tâm trước thông tin trên.
Cô Liên còn chia sẻ thêm: "Xã hội bây giờ chỉ vì lời lãi vài ba đồng mà người bán nhẫn tâm đầu độc lẫn nhau".
Cùng chung quan điểm của cô Liên, cô Hoàng Thị Phương Anh (Khâm Thiên, HN) cho biết cô sẽ tạm thời "tẩy chay" thịt lợn.
"Để mà bỏ được thịt lợn thì chắc khó lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Càng ngày thực phẩm không sạch sẽ càng đến miệng người tiêu dùng", cô Phương Anh thở dài.
Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận các bà nội trợ không mấy quan tâm trước thông tin trên. Lý do là họ chưa cập nhật được thông tin, hoặc họ tỏ ra bi quan về tình hình thực phẩm trong nước.
Chị Ánh Tuyết (27 tuổi, Lò Đúc) cho biết: "Giờ ăn gì chả độc hả em. Dân nước mình còn nghèo, đâu phải ai cũng có điều kiện vào siêu thị mua đồ an toàn. Hầu như các mẹ đều ra chợ để mua thực phẩm về. Nhưng liệu mấy bà bán hàng ngoài chợ chịu thua 1 - 2 ngàn đồng để chị em mình ăn uống an toàn không? hay toàn vị cái lợi trước mắt mà đầu độc nhau".
Tiếp lời chị Tuyết bình luận: "Giờ ăn cũng thế, mà không ăn cũng thế".
Các bà nội trợ truyền nhau bí quyết mua thịt lợn an toàn
Cô Đỗ Hoàng Lan từ lâu đã "tẩy chay" chợ thuyền thống của người Việt. Cô cho rằng mình không tự tin khi ra chợ mua hàng: "Đọc trên mạng về mấy vụ thực phẩm tiêm hóa chất mà sợ. Nhà mình từ lâu đã không ra chợ mua hàng rồi. Thay vào đó, cứ 3 ngày/1 lan, mình đi siêu thị gần cho chắc ăn".
Nhưng đó chỉ là biện pháp dành cho những gia đình có thu nhập khá trở lên. Còn với những gia đình bình dân hơn, họ chọn cách tìm đến các cửa hàng thực phẩm sạch, hoặc ra chợ với những kiến thức "mót" từ trên mạng.
rất khó nhận biết được đâu là thịt lợn an toàn và không an toàn.
Chị Lan Anh (Đội Cân) cho biết trước khi ra chợ, chị đều tìm hiểu cách chọn mua thực phẩm sạch được đăng tải trên mạng.
Bà nội trợ này cũng chia sẻ cách mua thịt lợn ngoài chợ: "Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Và đặc biệt là tránh xa những loại thịt có mùi lạ".
Chị Lan anh còn nhấn mạnh thêm: "Đó chỉ là một phần thôi. Về nhà, khâu xử lý cũng rất quan trọng, mình thường rửa qua bằng nước muối pha loãng. Thịt thì mình nấu nhừ để các chất độc hại".
"Nói như vậy nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời thôi. Còn muốn triệt để thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Và đặc biệt là cái tâm của người bán hàng", chị Lan Anh chia sẻ.
Lâm Tú