Một mùa thi nhiều cái mới
Ngoài 3 môn chính: Toán, Văn, Ngọai ngữ, một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân sẽ được chọn ngẫu nhiên làm môn thi thứ 4. Với môn ngoại ngữ, học sinh được chọn một trong các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật. Giải pháp mới được Sở GD-ĐT coi là cách thức chống học tủ, học lệch khi học sinh THCS có 11 môn học nhưng chỉ thi 4 môn.
Rất nhiều điểm mới trong năm đầu tiên áp dụng thi tuyển lớp 10 bằng 4 môn mà phụ huynh và học sinh đều phải nắm rõ, đó là kỳ thi kết hợp cả thi trắc nghiệm và tự luận. Cụ thể, bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài là 60 phút. Bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút.
Không những thế, năm 2019, cách tính điểm xét tuyển lớp 10 cũng ít nhiều thay đổi. Nếu những năm trước, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS được sử dụng để xét tuyển vào lớp 10 thì sang năm 2019, do cấu trúc bài thi 4 môn, điểm xét tuyển được tính theo công thức: (Điểm môn Toán + Điểm môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ tư ) + Điểm cộng thêm. Bài thi của các môn tính theo thang điểm 10.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở dự kiến sẽ công bố đề thi tham khảo vào cuối tháng 10/2018, nhưng chỉ công bố đề tham khảo của môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Với môn Toán và Văn, mọi tiêu chí về kiến thức, hình thức, nội dung vẫn giữ nguyên nên giáo viên, học sinh có thể tham khảo theo đề thi của các năm trước.
Phấp phỏng chờ ẩn số
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội trấn an, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy nhiên, đối với nhiều phụ huynh, môn thi thứ 4 vẫn là ẩn số gây sức ép không nhỏ với con em họ vì để đối phó với kỳ thi, nhiều HS phải căng tai căng mắt để bao quát tất cả các môn.
Chị Hoàng Thùy – một phụ huynh ở phường Khương Thượng, Đống Đa cho rằng, nên chăng để các con được lựa chọn môn thi thứ tư thay vì Sở GD-ĐT giữ bí mật và nắm quyền lựa chọn môn thi. Có như vậy, HS sẽ tránh căng thẳng và học vẹt. Đây cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh và HS có con đang chuẩn bị vượt cấp trong năm tới.
Theo ông Bùi Hoàng - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hà Đông: “Mặc dù Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra phương án thi nhằm mục đích giảm học tủ, học lệch nhưng cách này chỉ làm tăng áp lực không đáng có cho phụ huynh hơn là buộc chính các học sinh phải học hành nghiêm túc”. Ông Hoàng cho rằng, việc ép các em học đều để thi chỉ là giải pháp tình thế, tính ra môn nào học sinh cũng phải học. Do bị áp lực lớn nên các con càng học thêm nhiều và biến thành một cái “máy học” để thi.
Đây là năm đầu tiên áp dụng tuyển sinh lớp 10 bằng 4 môn, đề thi khó dễ ra sao vẫn đang là ẩn số, nhưng điều mà nhiều phụ huynh và giáo viên ngóng đợi hơn là cách ra đề thi năm nay có thực sự đổi mới không? Theo nhiều thầy cô đang dạy THPT, để tránh học tủ học vẹt, đề thi nên theo hướng phát triển trí tuệ, rèn kỹ năng thay vì nặng lý thuyết, bắt học sinh phải học thuộc lòng một cách máy móc.
Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm 2019 của Hà Nội vừa chính thức được phê duyệt, dự kiến toàn thành phố có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS (giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017-2018).
Cụ thể, tuyển vào trường THPT: khoảng 81.200 đến 83.200 học sinh (giảm từ 3.000-4.000 học sinh so với năm ngoái). Trong đó các trường công lập tuyển từ 60.900- 62.900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019), các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh.