"Quán quân" nộp thuế nhưng liên tục nợ thuế nghìn tỷ
Theo thông tin từ Báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 10 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất với tổng số tiền trên 5.300 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, với số tiền 1.820 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm 2022, có 3 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đóng góp cho ngân sách nhà nước tại địa phương này với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Trong top 3 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện tại cũng có tên của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức với 744 tỷ đồng.
Tự giới thiệu là Tập đoàn đa ngành với 22 năm hình thành và phát triển, Thiên Minh Đức có vốn điều lệ 1.455 tỷ đồng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài; ngành nghề chủ yếu bao gồm xăng dầu, khí hóa lỏng, sản xuất giấy, bao bì, logistic, vận tải đến dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, nông trại và khai khoáng ở nước ngoài.
Là doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu cả xăng dầu và khí hóa lỏng, Thiên Minh Đức có mạng lưới hệ thống phân phối là 100 đại lý bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu DKC Petro, và khoảng 100 đơn vị mua hàng trực tiếp để phân phối trên toàn quốc, kèm theo đó là hệ thống cảng biển và kho chứa ở cả 3 miền Bắc – Trung - Nam.
Mạng lưới này gồm: Tổng Kho Xăng DKC, Tổng Kho Hoàng Huy, Công viên Trung Long, Hệ thống nhà hàng, Trạm dừng chân, chuỗi bán lẻ xăng trải dài khắp 64 tỉnh thành trên cả nước. Thêm vào đó, Thiên Minh Đức còn các hoạt động khai thác khoáng sản ở Lào, hoạt động kinh doanh nhà máy, kho bãi cảng và Công ty khí gas EPIC.
Gần đây, Thiên Minh Đức “chân ướt chân ráo” lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với dự án Highway5 Residences (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ngoài ra, Thiên Minh Đức cũng gây chú ý khi thâu tóm dự án Tổ hợp đô thị, khách sạn Hà Nội Kim Liên tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An).
Tuy nhiên, có một nghịch lý rất khó hiểu là, dù là doanh nghiệp có uy tín lâu năm, kinh doanh đa ngành nghề và từng nộp thuế nhiều nhất tỉnh Nghệ An năm 2021, nhưng không hiểu vì lý do gì mà trong những năm gần đây Thiên Minh Đức lại có “thành tích” liên tục nợ thuế, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Được biết, tại thời điểm năm 2018, Thiên Minh Đức mới chỉ nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 178 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, con số này đã tăng “phi mã” lên mức hàng nghìn tỷ đồng, nhưng tuyệt nhiên doanh nghiệp này rất hiếm khi bị “bêu tên” vì nợ thuế.
Cụ thể, tháng 5/2019, Chi cục Thuế TP. Vinh đã công bố công tác nợ và cưỡng chế nợ thuế 3 năm liên tiếp (2016, 2017 và 2018); trong đó nêu rõ: Năm 2018, thành phố thu được nợ thuế 336 tỷ đồng, giảm mạnh so với 662,3 tỷ đồng của năm 2017. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năm 2018 có 2 doanh nghiệp có số thuế phát sinh, đó là: Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (178 tỷ đồng) và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam tại Nghệ An.
Cuối năm 2020, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Thiên Minh Đức là 1.382 tỷ đồng (tăng 904 tỷ đồng) - tương đương 189% so với năm 2019. Còn tại thời điểm ngày 31/12/2021, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức ghi nhận mức 1.172 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Con số này cao gần bằng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp (1.317 tỷ đồng).
Đáng chú ý, phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra vào ngày 13/7/2022 vừa qua, ông Nguyễn Đình Đức - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 30/6/2022, các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang nợ thuế với số tiền 979 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thiên Minh Đức được xác định là doanh nghiệp có số nợ thuế ”khủng” của tỉnh này.
Không chỉ có vậy, năm 2021 và năm 2020, Thiên Minh Đức xác định chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là 113 triệu đồng và 28,9 tỷ đồng, nhưng bảng lưu chuyển tiền tệ lại ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp năm 2021 chỉ là 57 triệu đồng và năm 2020 lại là… con số 0 đồng tròn trĩnh.
Được vinh danh là doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất năm 2021 và nằm trong top 3 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất sau 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Nghệ An; nhưng Tập đoàn Thiên Minh lại liên tục nợ thuế đến hàng nghìn tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: TMD Group) |
Nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn
Nếu đi sâu tìm hiểu về bức tranh tài chính của Thiên Minh Đức, có thể nhận thấy rằng, việc nợ thuế nghìn tỷ vốn chỉ là con số chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nợ nần của doanh nghiệp này.
Theo đó, ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của Thiên Minh Đức lên đến 7.605 tỷ đồng, tăng 1.597 tỷ đồng (tương đương 26,6%) so với năm 202 và cao gấp 5,8 lần vốn chủ sở hữu, chiếm tới 85,2% tổng nguồn vốn. Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước chỉ chiếm 15,4% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Vay và nợ thuê tài chính của Thiên Minh Đức tại thời điểm này khá lớn, đạt 2.584 tỷ đồng. Trong năm 2021, để được cấp tín dụng, Thiên Minh Đức đã ký rất nhiều hợp đồng. Tới năm 2022, doanh nghiệp này lại tiếp tục đi vay vốn. Tính đến tháng 8/2022, Thiên Minh Đức đã ký với các ngân hàng khoảng 20 hợp đồng tín dụng.
Tài sản đảm bảo của Thiên Minh Đức chủ yếu là hàng tồn kho bao gồm toàn bộ lô hàng Dầu DO 0.05%S hình thành từ nhiều hợp đồng giữa Công ty này và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn - Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Giá trị hàng tồn kho có lúc là 104 tỷ đồng; hoặc 127 tỷ đồng hoặc 139 tỷ đồng,... Ngoài ra, chỉ tiêu phải trả khác cũng rất cao, bao gồm ngắn hạn là 1.182 tỷ đồng và dài hạn là 1.350 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Nghệ An; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) – Chi nhánh Nghệ An; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – Chi nhánh Nghệ An;... chính là các “chủ nợ” lớn của Thiên Minh Đức. Trong đó, BIDV là đơn vị đã ký rất nhiều hợp đồng với Thiên Minh Đức.
Nghi vấn trốn thuế?
Được biết, Thiên Minh Đức là doanh nghiệp có thị phần lớn trong lĩnh vực xăng dầu với doanh thu luôn ở mức nhiều tỷ đồng, nhưng Công ty này lại thường xuyên rơi vào cảnh hoặc thua lỗ thảm, hoặc lợi nhuận rất khiêm tốn. Điều này dẫn đến kết quả Thiên Minh Đức hoặc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc chi phí này luôn ở mức rất thấp.
Theo các số liệu trong báo cáo tài chính năm 2019, do thua lỗ thảm nên Thiên Minh Đức không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Thế nhưng, trong báo cáo tài chính năm 2020, dù doanh nghiệp này xác định đạt lợi nhuận trước thuế là 25,5 tỷ đồng, nhưng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn là 0 đồng.
Đáng chú ý, năm 2019 không phải là năm duy nhất Thiên Minh Đức không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây vốn là tình trạng quá đỗi “quen thuộc” đối với doanh nghiệp này trong những năm gần đây.
Cụ thể, Thiên Minh Đức đã có ít nhất có 3 năm không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vì thua lỗ thảm. Tới năm 2020 và 2021, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty này chỉ vỏn vẹn 113 triệu đồng và 28,9 triệu đồng.
Nếu so sánh với doanh thu “khủng” của Thiên Minh Đức trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 10.698 tỷ đồng và 11.169 tỷ đồng; thì chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp này là quá đỗi khiêm tốn.