Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ cảnh báo một tiểu hành tinh đang chuẩn bị lướt qua Trái đất trong vòng hơn hai tuần nữa.
Thiên thạch khổng lồ được đặt theo mã số 481394 (hay 2006 SF6), được ước tính có chiều dài khoảng 610 m. Theo các nhà khoa học, tiểu hành tinh này có kích thước gấp 2 lần so với tháp Eiffel, hoặc tương đương với 6 sân bóng đá.
SF6 2006 dự kiến sẽ đến gần Trái đất nhất vào thứ Tư, ngày 20/11, trong vòng 0,029 đơn vị thiên văn trên đầu chúng ta, tương đương 4,35 triệu km. Nó sẽ bay với tốc độ đáng kinh ngạc 27.000 km/h, hoặc gấp khoảng 22 lần tốc độ âm thanh.
Quỹ đạo dự kiến của nó cho thấy hầu như không có bất kỳ cơ hội va chạm nào trong hai thế kỷ tiếp theo, vì một tảng thiên thạch lớn như vậy có thể phá hủy cả một thành phố nếu rơi xuống Trái đất.
Theo nhân viên thuộc cơ quan phòng thủ hành tinh của NASA Lindley Johnson, các vật thể gần Trái đất (NEO) như SF6 2006 có khả năng trở thành thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất mà con người biết đến.
Trong số hơn 600.000 tiểu hành tinh đang bay qua Hệ mặt trời của chúng ta, các nhà khoa học đã lập danh mục khoảng 20.000 thiên thạch dưới dạng NEO. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đưa hơn 800 NEO đó vào danh sách rủi ro của mình, nghĩa là các nhà thiên văn học nên để mắt đến chúng.
NASA đã báo cáo tuần trước rằng một tiểu hành tinh có kích thước của Burj Khailfa (tòa nhà cao nhất thế giới) sẽ bay qua hành tinh của chúng ta một ngày sau Giáng sinh.
Và vào tháng 9, cơ quan này đã thừa nhận rằng họ đã xác định được một tiểu hành tinh có kích cỡ một chiếc ô tô chỉ vài giờ trước khi nó bay vào bầu khí quyển và bị đốt cháy ngay sau đó.