Chị H.T có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết trường chọn dạy theo bộ SGK Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm TPHCM) nhưng một số cuốn lại thuộc các NXB khác.. Để có đủ sách cho con, phụ huynh buộc phải đăng ký mua trọn bộ ở trường chứ không bán lẻ. “Con tôi hiện thiếu hai cuốn sách là cuốn mỹ thuật và giáo dục thể chất. Tôi đã đi khắp các nhà sách ở TP.HCM vẫn không tìm được SGK 2 môn này” chị H.T nói.
Cuối cùng chị phải nhờ người quen tìm mua ở Hà Nội sau đó gửi gấp vào TP.HCM để con kịp học.
Một phụ huynh khác của trường cũng cho biết, do trường chọn bộ sách Cánh Diều nên gia đình đã chủ động mua trọn bộ từ bên ngoài. “Tuy nhiên, khi vào học biết có thêm một số cuốn sách khác nữa nên tôi đặt mua ở trường thì giáo viên bảo không bán lẻ trong khi đi tìm “đỏ mắt” ở các nhà sách thì không thấy. Cuối cùng phải lên lại trường để đăng ký và chờ đợi”, phụ huynh này kể.
Việc thiếu sách đầu năm học cũng diễn ra ở một số trường khác. Theo các phụ huynh, nguyên nhân là trường chọn mỗi môn một bộ SGK lớp 1 khác nhau, lại không bán lẻ nên đi tìm bên ngoài rất khó...
Ông Nguyễn Tấn Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng cho biết, trường đã đăng ký nguyên bộ sách theo danh sách lựa chọn của trường với phía nhà cung cấp nên họ dựa trên danh sách này đóng gói nguyên bộ gửi về trường. Khi học sinh nhập học, phụ huynh có thể đăng ký mua ở trường hoặc bên ngoài. Trường cũng đưa danh sách các môn lên website và bảng thông tin để phụ huynh nắm nhưng nhiều người vẫn mua nguyên bộ sách Cánh Diều dẫn tới việc dư sách ở môn này, thiếu sách môn kia. Ông Trang cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến thiếu sách là vì số học sinh lớp 1 khi nhập học tăng thêm gần 100 em so với dự kiến.
Chuyện không phải chỉ của năm nay
Trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, từ tháng 2, Vụ đã yêu cầu thống kê số lượng học sinh mầm non 5 tuổi trên chính từng địa bàn các tỉnh, thành phố. Số liệu này được gửi cho các NXB và yêu cầu các NXB khi cung ứng số lượng SGK đến các địa phương phải đảm bảo số dư là 5%, kịp thời trước 15/8. Các NXB đều cho biết đã cung ứng với số dư từ 7-10%. Khi chuyển từ địa phương xuống các trường Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về cách thức cung ứng.
Năm nay, để thuận tiện, các địa phương chọn cách cung ứng theo số lượng thống kê trẻ trên địa bàn. Đến thời điểm này chỉ vài địa phương trong một tình huống cụ thể nào đó xảy ra tình trạng như báo nêu. Theo ông Tài, sự việc này có 2 nguyên nhân. Đó là thống kê dân trên địa bàn rất khó khăn do tình trạng di dân nhất là các khu công nghiệp ở các thành phố lớn. Đây là nguyên nhân chính.
Tiếp đến là mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh chưa tốt. Để xảy ra tình trạng thiếu, đầu tiên hiệu trưởng phải rút kinh nghiệm. Nhà trường phải chủ động, cùng chịu trách nhiệm cung ứng SGK cho học sinh. Năm nay các nhà sách chọn cách cung ứng trực tiếp đến các trường. Còn các bộ SGK ở các nhà sách cấp huyện hoặc những bộ sách có tỷ lệ chọn ít ở địa bàn đó rất khó mua. “Vấn đề tại sao nhà trường không lấy sách trong thư viện để cung ứng kịp thời cho học sinh có sách học? Câu chuyện ở đây là phụ huynh và nhà trường. Bất kỳ trường hợp nào, nhà trường đều phải có phương án lựa chọn, phải đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh. Bộ GD&ĐT cũng coi đây là kinh nghiệm để triển khai công việc ở những năm thay sách tiếp theo”, ông Tài nói.
Về phía NXB, ông Nguyễn Đức Thái, chủ tịch HĐTV NXB Giáo Dục Việt Nam, đơn vị có 4/5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt đưa vào sử dụng năm học này - khẳng định việc thiếu SGK sau dịp khai giảng năm học mới chỉ mang tính cục bộ.
Theo ông Thái, tính tới thời điểm này NXB Giáo Dục đã cung ứng 114 triệu bản sách, vượt 105%. Riêng SGK lớp 1 đã cung ứng 15 triệu bản, chiếm 70% nhu cầu sử dụng SGK lớp 1 trên cả nước. Việc thiếu sách cục bộ liên quan tới trách nhiệm của NXB Giáo Dục, hiện đã khắc phục được.
Ông Thái cũng cho biết tới đây sẽ mở trang bán hàng điện tử để cập nhật nhu cầu sử dụng sách, cung ứng kịp thời sách còn thiếu sau năm học mới.
Những năm trước, tình trạng thiếu SGK cục bộ đã xảy ra ví dụ như gần đây nhất là năm 2018. Khi đó, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn còn là đơn vị độc quyền biên soạn và phát hành SGK. Năm nay, khi có sự tham gia của 2 NXB nữa vào thị trường SGK nhưng tình trạng thiếu vẫn xảy ra. Hơn nữa, năm nay mới chỉ thay SGK lớp 1, từ năm sau, mỗi năm sẽ có từ 2 lớp ở các cấp học khác nhau trở lên, tình trạng “phân phối” SGK sẽ như thế nào để phụ huynh, học sinh không nháo nhào tìm sách đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan quản lý cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các NXB.