Thịt đông là món ăn không thể thiếu của người miền Bắc, có chứa nhiều chất đạm, chất béo khiến người ăn dễ ngán và tăng cân. Người dân thường chế biến thịt đông bằng chân giò, tai, bì của lợn. Đây là những phần chứa rất nhiều chất cholesterol xấu. Ngoài ra, thịt gà, thịt ngan cũng có thể chế biến thành món ăn này.
Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn nhiều thịt đông sẽ gây tăng cân, đồng thời tác động xấu tới một số bệnh nhân mắc rối loạn chuyển hóa.
Do đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đưa ra một số khuyến nghị về cách dùng thịt đông trong những ngày Tết.
Ăn cùng dưa hành, rau củ
Thịt đông và dưa hành vốn là cặp đôi đi kèm với nhau trong mâm cơm ngày Tết. Thịt đông có đặc tính béo, dễ ngán. Do đó, ăn kèm cùng dưa hành, cà muối, kim chi sẽ làm giảm độ ngán, đồng thời giúp cơ thể tiêu hóa thịt dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên ăn thêm nhiều rau xanh để hạn chế việc nạp quá nhiều chất đạm.
Tránh ăn cơm chung với thịt đông
Ăn thịt đông cùng với cơm đã trở thành thói quen không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết. Tuy nhiên, thói quen khiến bạn không thể kiểm soát được lượng thức ăn được đưa vào cơ thể. Đây là nguyên nhân gián tiếp làm tăng khả năng béo phì.
Kết hợp ăn thịt đông cùng hoa quả
Nếu tiêu thụ nhiều thịt đông, bạn cần bổ sung thêm một số loại hoa quả sau bữa cơm. Đây là cách giúp hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Một số loại hoa quả giúp hấp thụ lượng chất béo trong thức ăn như đu đủ, mận, táo. Chúng chứa nhiều chất xơ, vitamin C và axit tự nhiên giúp thúc đẩy sự chuyển hóa chất béo và protein trong thức ăn.
Ngoài ra, chuyên gia lưu ý thịt đông phải được bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh, nên chia nhỏ thành từng phần, tránh ôi thiu gây ngộ độc.