Theo nguồn tin trên, hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đáp trả cho hành động trước đó của chính quyền Nga trong việc bắt giữ tàu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara sau ngày 24/11 – ngày F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga – liên tiếp chịu nhiều sức ép từ các quyết định trừng phạt của Nga, trong đó có giam giữ tàu. Đầu tiên Nga giữ 5 tàu, sau đó là thêm 3 tàu nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 27 tàu cá của Nga để "trả đũa".
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng hai nước đã tiến hành trao đổi tình hình và các thông tin ban đầu qua thư điện tử, đồng thời tỏ ý sẵn sàng phối hợp cùng giải quyết vấn đề, song vị trí và thời gian cụ thể cho cuộc gặp trao đổi và đàm phán này vẫn chưa được ấn định.
Vài ngày gần đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp xảy ra những sự cố bất thường trên biển có liên quan đến xung đột hai nước. Đầu tiên là lực lượng bảo vệ bờ biển của Nga bắn cảnh cáo tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều lần cảnh báo không thành công. Tuy nhiên, sau đó các ngư dân của tàu cá Thổ Nhĩ Kỹ lại tuyên bố không hề nghe thấy hay nhìn thấy có súng nổ.
Tiếp theo sự cố này, tàu bảo vệ bờ biển của Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã xua đuổi tàu Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi khu vực bố trí các giàn khoan của Nga trên Biển Đen, nơi mà chính Ukraina cũng đưa ra yêu sách là chủ quyền của mình. Liên quan đến sự kiện này và hậu quả của nó, lực lượng biên phòng của Nga đã từ chối mọi bình luận.
Chỉ biết rằng, hiện nay ở khu vực biên giới với Nga đang có các xe chở hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ chưa được phép vào lãnh thổ Nga. Đây là một phần trong lệnh cấm, trừng phạt của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không chỉ cấm nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả nguyên liệu và quần áo từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong danh mục tạm cấm nhập khẩu vào Nga.
Hữu Kỷ