Hôm qua (30/12), chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đang gửi dự luật triển khai quân đội tới Libya. Đây có thể là diễn biến làm căng thẳng chiến trường Libya khi nước này hiện đang bị chia cắt giữa 2 chính quyền riêng biệt, chính quyền của Thủ tướng Fayez Sarraj ở Tripoli và chính quyền ở miền Đông, mỗi bên đều nhận được sự ủng hộ của một số phe phái trong nước và chính phủ nước ngoài.
Phát biểu trước các phóng viên sau khi có cuộc gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập để tìm kiếm sự hỗ trợ cho dự luật đưa quân đến Libya, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Với tư cách là Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã gửi bản dự luật đưa quân tới Libya cho Tổng thống để gửi tới quốc hội. Chúng tôi nhận được thông tin rằng, bản dự thảo này sẽ được gửi tới quốc hội với chữ ký của Tổng thống trong ngày hôm nay”.
Ông Cavusoglu cho rằng, một khi tình hình tại Libya trở nên giống với Syria, nguy cơ hiệu ứng domino sẽ lan tràn trong khu vực. Do đó, theo ông, cần làm điều gì đó để ngăn chặn Libya bị chia rẽ và rơi vào hỗn loạn.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy nhanh tốc độ cho ra đời một đạo luật cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới Tripoli. Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8 hoặc 9/1/2020 sẽ bỏ phiếu về quyết định triển khai binh sĩ tới Libya nhằm hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya chống lại lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
Những bước đi này đến sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận ở Tripoli hồi cuối tháng 11 vừa qua, đã ký một thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ về trang thiết bị và huấn luyện quân sự cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya. Ngay sau đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Libya nếu cần thiết, trong đó các phương án sử dụng bộ binh, không quân và hải quân đều được xem xét lựa chọn.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Libya bởi các phe phái đối địch ở Libya đang nhận được sự ủng hộ của nhiều thế lực bên ngoài khác nhau. Lực lượng Quân đội miền Đông Libya của Tướng Khalifa Haftar được hậu thuẫn bởi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập, ngoài ra còn có Pháp và Nga, trong khi chính quyền tại Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Italia hậu thuẫn.
Sự rạn nứt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chiến lược ở Libya có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quyết định gửi quân tới chống lại Quân đội Quốc gia Libya theo yêu cầu của Chính phủ đoàn kết dân tộc.
Trong một phản ứng mới nhất, mặc dù hoan nghênh những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi, Nga tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của Libya đến từ các thế lực ngoài cuộc. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không được mong chờ và gây ra hậu quả tại thời điểm cả hai quốc gia đang cố gắng đạt được một thỏa thuận về vấn đề tại Syria./.