Ngộp thở bởi nhà ống
Sự bành trướng một cách thiếu kiểm soát của nhà ống trong nội đô không những ẩn chứa nhiều hiểm họa mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Những ngôi nhà ống 3 tầng, 5 tầng san sát đến nghẹt thở. Nhìn từ trên cao xuống, các thành phố lớn của nước ta như một bức tranh nham nhở, lộn xộn. Thiếu thiết kế đô thị, chắp vá trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều thành phố bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc.
Trong số loại hình nhà ở thì loại nhà ống là thông dụng nhất, có tính đặc trưng của đô thị Việt Nam, chiếm 70 - 80% quỹ nhà ở đô thị. Đây là loại nhà bám theo các trục đường giao thông có chiều sâu lớn hơn nhiều lần chiều rộng, thường chỉ tiếp xúc với môi trường qua mặt trước nhà và giếng trời.
Từ lịch sử xa xưa ở Thăng Long, Phố Hiến hay Hội An… cho đến Hà Nội, TP.HCM và nhiều vùng đô thị khác, thậm chí lan đến cả vùng nông thôn, nhà ống đã trở thành một đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, dưới sức ép dân số, nó làm không gian đô thị trở nên ngột ngạt.
Theo khảo sát của phóng viên Reatimes, TP. Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống. Trên các tuyến phố Hà Nội như: Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Mã Mây..., nhiều ngôi nhà ống mặt tiền đã xuống cấp nhưng vẫn đang cho thuê để kinh doanh. Bên cạnh đó là tình trạng cải tạo, cơi nới mặt bằng khiến diện mạo phố phường trở nên nhếch nhác.
Từ nhà ống phố "Phái" đến nhà ống mặt tiền thời hiện đại |
“Phố cổ có nhà ống từ rất lâu rồi. Nhưng giờ nó không phải là những ngôi nhà lô xô mái ngói như trong tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái nữa. Hiện tại, nó duy trì không gian phố chợ, buôn bán sầm uất như đại siêu thị thời cổ. Nhà ở không thuần túy để ở mà kinh doanh dịch vụ tạo thành hình ảnh đô thị mà ta vẫn hay nặng về câu chữ. Người ta gọi đây là khu vực “con gà đẻ trứng vàng” nên nhiều người bám lại để buôn bán giờ thành du lịch, hiệu quả kinh tế cao nhưng môi trường sống không tốt do mật độ lớn, chật hẹp, ngoắt ngoéo” - TS.KTS.Ngô Doãn Đức - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.
Trong vùng lõi nội đô, bên cạnh phố cổ là khu phố cũ gồm các biệt thự, villa Pháp, cổng dinh thự thời Pháp. Các công trình xây rất đẹp do cơ chế không bài bản và manh mún, hàng nghìn biệt thự đã hỏng, giờ số lượng còn lại rất ít. Số phận khu này nổi bật nên kiến trúc thời Pháp, đối tượng là công thự, dinh thự, đường phố caro. Các nhà chia lô không có đất tồn tại nhưng nó xuất hiện khi chúng ta đem chia lô để tận dụng đất. Nhà ống xuất hiện bởi bức bách giải quyết chỗ ở cho nhiều người, nó làm hỏng không gian của khu phố cũ. Còn khu mới đưa vào các dự án cho nhà đầu tư, phố kéo dài, nhà liền kề chia lô kéo dài cho đến tận ngày nay là một vấn đề bất cập.
Nhiều kiến trúc sư cho rằng loại hình nhà ống, nhà liền kề không phù hợp với một thành phố văn minh, hiện đại trong thời đại toàn cầu hoá.
TS.KTS.Ngô Doãn Đức nhận định: “Xu thế là không khuyến khích nhà ống vì nó tốn đất và lan truyền lối sống “tiểu thương” nhà nào cũng nhăm nhe bán hàng. Việt Nam không giống như bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới khi nhà cứ giăng đến đâu là bán hàng đến đó. Hè phố thì xe dựng tùm lum cản trở giao thông. Phố mới kéo dài phố cổ ra, mà ai cũng muốn bán hàng. Khiến bộ mặt đô thị nhìn từ trên cao xuống rất lố nhố”.
Lối đi nào cho một đô thị văn minh?
Để giải quyết bài toán bất cập của nhà ống san sát khiến bộ mặt đô thị lộn xộn trong khi quỹ đất của vùng nội đô các thành phố lớn có hạn, các chuyên gia kiến trúc nêu lên quan điểm cần tiếp cận với xu hướng hiện đại như các loại hình nhà cao tầng theo mẫu hình Singapore, Hong Kong.
Ths.KTS Đỗ Viết Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - chia sẻ: “Các thành phố như Singgapore tầng rất cao, mật độ rất lớn nhưng vẫn đảm bảo là bởi thiết kế đồng bộ. Thiết kế cho 2 nghìn dân khác, 2 vạn dân khác, 2 triệu dân lại khác. Hạ tầng có đáp ứng được hay không thì mới xây. Còn nếu không đảm bảo thì phải tìm cách giãn ra. Một trong những biện pháp tiết kiệm đất đô thị là đô thị nén. Cùng một diện tích như thế người ta xây một tháp chứa được rất nhiều người so với băm ra chia lô”.
Ông Chiến đưa ra dẫn chứng minh họa: “Bây giờ toàn nhà 4 – 5 tầng liền kề, san sát nhau chiếm hết mặt đất. Nhưng cũng trên cùng diện tích ấy, mình khai thác hết, xây 1 – 2 tòa tháp có diện tích sàn bằng với số nhà ấy. Diện tích đất còn lại giải phóng hết làm vườn hoa, cây xanh, không gian công cộng. Nếu 20 nhà 5 tầng cộng lại chỉ đến xây 2 cái tháp, còn lại để đất trồng vườn hoa, cây xanh, sân chơi? Cớ gì không cho. Đô thị chỉ có đẹp lên".
Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô 2030 là một bức tranh đẹp với viễn cảnh các đô thị vệ tinh sẽ là lực hút dân số nội đô ra ngoại thành, cải thiện điều kiện sống của khu vực nội đô, kiểm soát về mật độ xây dựng, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, dân số khu vực nội đô đã tăng từ 80 vạn dân lên 1,2 triệu dân trong khi đó, dự tính đến năm 2050, dân số Hà Nội tối đa khoảng 10,8 triệu người. Hàng loạt công trình nhà ống từ xây mới cho đến cải tạo vượt tầng sai phép, vi phạm trật tự xây dựng khiến bộ mặt kiến trúc đô thị của khu vực trung tâm Thủ đô đang dần bị phá hủy.
Theo Ths.KTS Đỗ Viết Chiến, để giải quyết bài toán quy hoạch quá tải hạ tầng nội đô hiện nay thì trước hết cần giám sát chặt chẽ quy trình cấp phép điều chỉnh cục bộ hiện nay, đảm bảo các tiêu chí tuyệt đối trung thành với mục tiêu của quy hoạch chung được duyệt.
Ông Chiến cũng kiến nghị, các đô thị Việt Nam phải kiểm soát bằng được hệ số sử dụng đất. Mật độ và tầng cao có thể cho phép mềm dẻo hơn, tạo cơ hội thích ứng của dự án với điều kiện thực tiễn cũng như cho phép các kiến trúc sư có nhiều phương án kiến trúc đa dạng, không bị bó cứng.
PGS.TS.Nguyễn Hồng Thục đề xuất, trước khi cấp phép xây dựng, tất cả các thành phố lớn nhỏ ở Việt Nam cần phải đánh giá tác động của khu cao tầng. Theo thông lệ quốc tế cứ có 250 căn hộ xen cấy mới là phải đánh giá ùn tắc và cứ 750xe/giờ hoạt động tại khu vực là đánh giá tắc nghẽn theo phương pháp ITE, TIA. Sau đó là đánh giá tác động của khu cao tầng mới lên môi trường không khí, nước, rác thải, rồi đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng dịch vụ, xã hội…, sau đó là kết nối cảnh quan, kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị kỹ thuật, khả năng nhiệt đới hóa của chính dự án với bối cảnh đô thị xung quanh.
“Sự phát triển lành mạnh của nhà cao tầng là tôn vinh sự thành đạt, công nghệ xây dựng và hình thức thẩm mỹ mới. Sự phát triển này là sự phát triển tổng hợp giữa Tổ chức các không gian hoạt động hiệu quả, kết cấu, vật liệu mới, kiến trúc và môi trường bao chứa, yêu cầu của luật pháp, quy chuẩn đô thị hướng đến tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, kinh tế – xã hội đòi hỏi có phương pháp quản lý phát triển mới mẻ với tầm nhìn kinh bang tế thế. Theo nghĩa đó, nhà cao tầng thực sự là một loại kiến trúc đỉnh cao của thời đại” – PGS.TS.Nguyễn Hồng Thục nhận định.
Theo Reatimes