Có nhiều lý do khiến người dân Hà thành chọn quay về với xe đạp
Thói quen này có thể xuất phát từ mong muốn thay đổi lối sống, trở nên “chậm” và xanh hơn, hoặc cần tìm một biện pháp thay thế các phòng tập thể thao với không gian trong nhà không đủ thoáng đãng. Hoặc chăng, người dân Hà Nội đến với hoạt động đạp xe để gắn kết hơn với gia đình và bè bạn, khi việc tụ tập ở quán cà phê bị hạn chế còn du lịch địa phương thì thu hẹp. Bất kể lý do là gì, việc xe đạp quay trở lại trong đời sống thường nhật của Thủ đô cũng cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, và môi trường đô thị.
Chị Đức Hạnh (biên tập viên) chia sẻ: “Tôi và bạn bè vẫn thường hẹn nhau đạp xe mỗi cuối tuần kể cả trước khi có dịch. Cung đường của chúng tôi thường bắt đầu với một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, sau đó dạo qua các phố cổ, rồi dừng chân ăn sáng và uống cà phê. Từ khi bắt đầu có dịch, trừ khoảng thời gian nhà nước hạn chế người dân ra đường, chúng tôi vẫn duy trì thói quen đạp xe, nhưng đã điều chỉnh đường đi, lựa chọn những tuyến vắng người hơn như khu vực ngoại ô, xa hơn thì có thể làm một chuyến ‘phượt’ đến Ecopark hay Núi Trầm.”
Đạp xe được xem là hoạt động gắn kết bạn bè. Ảnh: Đức Hạnh |
Trước đại dịch, nhiều người chỉ ra rằng “thiếu thời gian” là lý do chính khiến họ dù muốn vẫn không bắt đầu hoạt động đạp xe được như dự định. Cuộc sống của họ luôn theo lộ trình từ nhà đến cơ quan, rồi phòng tập hay quán cà phê tán gẫu cùng bè bạn. Rồi đại dịch đến, những dự định bấy lâu đã có cơ hội trở thành hiện thực. Mọi người dành nhiều thời gian hơn ở nhà, cả làm việc từ xa cũng như trong thời gian nhàn rỗi. Du lịch thu hẹp, người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí gia đình gần nhà, và đầu tư nhiều hơn vào bản thân.
Những người mới đạp xe từ khi đại dịch khởi phát có nhiều khả năng được thúc đẩy bởi tính xã hội hóa mà việc đi xe đạp mang lại hơn. Hoàng Kim Thanh (nhân viên thiết kế) chia sẻ: “Tôi bắt đầu mua xe đạp từ năm 2020, với mong muốn nâng cao sức khỏe, đồng thời đạp xe ngắm phố xá phần nào giúp tôi giải tỏa cảm giác căng thẳng, áp lực”. Sau đó, để duy trì động lực cho bản thân, Thanh đã rủ thêm bạn bè tạo thành một nhóm cùng đạp xe cuối tuần, với tuyến đường quen thuộc chủ yếu quanh hồ Tây (nơi có nhiều dịch vụ cho thuê xe đạp), hoặc lên kế hoạch đạp xe đi tham quan những phòng tranh, triển lãm quanh khu vực phố cổ.
Với những người chưa thật sự hình thành được thói quen đi xe đạp đều đặn, chưa sẵn sàng đầu tư cho việc mua xe, giải pháp thuê xe cũng là một lựa chọn kinh tế. Chỉ với 30.000-40.000 đồng, người thuê có thể chọn và sử dụng xe đạp trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Giá thuê xe được ghi nhận trong năm 2021 đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Đạp xe cuối tuần dần trở thành phong cách sống của người Thủ đô. Ảnh: Ngô Hải Anh |
Ngoài những lợi ích về sức khỏe, việc đạp xe cũng giúp người trẻ tuổi thể hiện phong cách sống và cá tính của bản thân. Việc chụp ảnh bên những chiếc xe đạp kiểu dáng giả cổ hay địa hình năng động, cùng những trang thiết bị được đầu tư không còn xa lạ trên các trang mạng xã hội.
Không chỉ nổi tiếng với người Hà Nội, hoạt động thuê xe đạp và ngắm cảnh hồ Tây cũng được người nước ngoài ưa chuộng. Dễ dàng tìm thấy những bài chia sẻ trên các trang chia sẻ thông tin của người nước ngoài sinh sống và ghé thăm Hà Nội.
Những tuyến đường ngoại ô vắng vẻ, đảm bảo không khí trong lành và giãn cách xã hội. Ảnh: Đức Hạnh |
Làm sao để duy trì và phát triển một lối sống “xanh” hơn
Sự nhiệt tình mới mẻ dành cho xe đạp không nên chỉ là một mốt nhất thời, một thói quen “thời vụ” trong đại dịch, mà cần được tạo điều kiện để biến thành một phần không thể thiếu đối với tương lai xanh hơn, khỏe mạnh hơn.
Một trong những thách thức quan trọng là thay đổi tư duy của cả người dân lẫn những nhà hoạch định chính sách. Ở nhiều quốc gia, xe đạp nói chung vẫn được coi là phương tiện của người nghèo hay không có nhiều khả năng kinh tế, tất nhiên không bàn đến những dòng xe đắt đỏ có giá “trên trời” dành cho tầng lớp khá giả. Tại một số nước khác, đi xe đạp chủ yếu được xem như một môn thể thao hoặc hoạt động giải trí hơn là một hình thức giao thông được khuyến khích sử dụng.
Hà Nội là một trong những thành phố tắc nghẽn nhất trên thế giới với mức độ ô nhiễm cao và phân luồng giao thông hay được người nước ngoài mô tả là “hỗn loạn một cách có tổ chức”. Những tháng cuối năm 2021, tình trạng ô nhiễm không khí Thủ đô được phản ánh là gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Mặt khác, phố xá nội thành không được phân luồng một cách cụ thể, đảm bảo an toàn cho những người giao thông bằng xe đạp.
Vào Ngày Xe đạp Thế giới 3/6/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước thành viên tăng cường an toàn giao thông đường bộ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bền vững với trọng tâm là người đi bộ và người đi xe đạp. Nhằm hướng tới các mục tiêu giảm thiểu khí thải, nâng cao chất lượng không khí và cải thiện tình hình giao thông, cần cân nhắc điều chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông, phát triển mạng lưới làn đường dành cho xe; tăng khả năng mang theo xe đạp trên tàu hỏa, đường sắt, xe buýt, mở rộng bãi đậu dành riêng cho xe đạp; hoặc đầu tư hơn vào hệ thống đi chung xe đạp công cộng.
Được biết, trong thời gian tới, mô hình xe đạp công cộng (thuê và thanh toán qua ứng dụng) sẽ có mặt tại Hà Nội, sau giai đoạn thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 12/2021. Giá thuê xe là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút và sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên để khuyến khích người dùng. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Nếu người thuê xe không trả phương tiện về đúng trạm bất kỳ thì hệ thống vẫn tiếp tục tính tiền. Về lâu dài, loại hình này tích hợp với mạng lưới xe buýt và metro sẽ hình thành nên mạng lưới giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý. Mô hình và giá thành cũng có nhiều điểm tương đồng với các dự án cho thuê xe quanh khu vực Hồ Tây, nhưng được kỳ vọng sẽ mở rộng phạm vi, khuyến khích được ngày càng nhiều người dân tham gia vào “thời kỳ phục hưng” của xe đạp Hà Nội.