Thủ đô Iran, thành phố Tehran, đang có nguy cơ bị nhấn chìm xuống mặt đất hàng chục cm mỗi năm, theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Địa chất Đức (GFZ).
Bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2017, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng khu vực phía tây của thành phố, nằm trên đồng bằng Tehran và vùng ngoại ô phía đông nam của thành phố, đồng bằng Varamin, đang "chìm" khoảng 25cm mỗi năm. Các khu vực này bao gồm cả vùng đô thị và nông nghiệp của thủ đô Iran.
Sân bay quốc tế Tehran cũng nằm trong vùng nguy hiểm, nhưng hiện tại tốc độ chỉ khoảng 5cm một năm. Theo nghiên cứu, tổng cộng 10% diện tích đô thị của thành phố Tehran sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này.
Lý do đằng sau việc thủ đô Iran bị nhấn chìm được cho là bắt nguồn từ cạn kiệt đáng kể của tầng nước ngầm bên dưới thành phố do việc sử dụng quá mức bởi sự bùng bổ dân số sinh sống tại đây và các hoạt động nông nghiệp xung quanh. Một vấn đề khác là do hiện tượng bơm nước ngầm bất hợp pháp. Hiện tại ở Tehran đã có khoảng 30.000 giếng khoan bất hợp pháp, đang làm suy giảm mực nước ngầm.
Hiện tượng này được đánh giá là không thể khắc phục chỉ bằng cách bơm bù lại lượng nước ngầm đã mất. Cùng với việc nền đất không được nâng đỡ, hiện tượng này sẽ tạo điều kiện cho lũ lụt xảy ra tại Tehran.
Vấn đề này xảy ra khi Iran đang phải vật lộn để vượt qua các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt này đã được áp dụng sau khi Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đồng thời, Iran đang cùng nhau hợp tác với các đối tác khác để khắc phục hậu quả của các biện pháp trừng phạt. Tehran cũng cảnh báo việc Washington hạn chế lượng dầu mỏ xuất khẩu dầu của nước này sẽ khiến nguồn cung dầu của Vùng Vịnh cũng sẽ bị tắc nghẽn khi quân đội Iran chặn eo biển Hormuz.