Tổng thu nhập trung bình hàng tháng của người Singapore và người nước ngoài thường trú làm việc toàn thời gian tại nước này là 4,437 SGD (tương đương 3237 USD) trong năm nay, bao gồm cả khoản đóng góp của các nhà tuyển dụng cho Quỹ Tiết kiệm Trung ương.
Năm ngoái, tổng thu nhập của người lao động Singapore đạt 4,232 SGD, năm trước nữa là 4,056 SGD.
Con số tăng trưởng này được công bố tại bản Điều tra Lao động Toàn diện được tiến hành vào giữa năm 2018 bởi vụ nghiên cứu và thống kê thuộc Bộ Nhân lực Singapore.
Sau khi tính đến lạm phát, thu nhập trung bình hàng tháng tăng 3,5%/năm từ năm 2013 đến năm 2018, cao hơn đáng kể so với 1,9%/năm từ năm 2008 đến năm 2013, theo bản báo cáo.
Đáng chú ý, thu nhập trung bình của những người có thu nhập thấp đã tăng 4,2% trong 5 năm qua. Bộ Nhân lực Singapore cho biết điều này có thể là kết quả của ý tưởng Chương trình Tín dụng Tiền lương, trong đó chính phủ sẽ đồng tài trợ tăng lương cho người Singapore có thu nhập thấp.
Tuyển dụng người cao tuổi
Tỷ lệ có việc làm giữa người Singapore và người nước ngoài thường trú là 80,3% đối với những người từ 25 đến 64 tuổi, thấp hơn một chút so với mức 80,7% trong năm ngoái. Điều này giúp Singapore xếp vị trí thứ 8 về tỷ lệ lao động có việc làm và thứ 4 về lao động toàn thời gian trong các nền kinh tế OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), Bộ Nhân lực nước này cho biết.
Trong số những người từ 65 tuổi trở lên, tỷ lệ có việc làm đã tăng lên 26,8% trong tháng 6 năm nay so với 25,8% trong cùng kỳ năm ngoái.
"Những nỗ lực để cải thiện khả năng làm việc của người lao động lớn tuổi khuyến khích nhiều người tiếp tục lựa chọn việc không nghỉ hưu, ngoài ra nhiều người nghỉ hưu đã quay trở lại làm việc", theo khảo sát của chính phủ Singapore.
Tỷ lệ có việc làm ở người cao tuổi tăng cao đã giúp giảm gánh nặng lên thị trường lao động Singapore. Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động của người dân từ 15 tuổi trở lên đạt 67,7% vào tháng 6 năm nay, con số này đã ổn định trong suốt 4 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm ngành nghề gồm chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và kỹ thuật viên (PMET) đã giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 2,9%, từ 3% vào năm ngoái.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong các ngành nghề không thuộc nhóm PMET cũng đã giảm sâu rộng.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp dài hạn giữa các nhóm ngành nghề thuộc PMET tăng từ 0,7% lên 0,8% trong năm nay. Điều này là do nhiều người thuộc PMET thất nghiệp ở độ tuổi 30 hoặc từ 50 tuổi trở lên mất nhiều thời gian hơn để tìm kiếm công việc mới do sự cạnh tranh gay gắt.