Dự kiến thu lại hơn 9.000 tỷ đồng
Với hàng nghìn căn hộ bỏ trống, nằm phơi nắng ngay trên khu đất vàng, TP.HCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách. Trong khi đó, hằng ngày, ban quản lý chung cư vẫn phải tiến hành các công tác vệ sinh, chiếu sáng, bảo vệ… Khu 38,4 ha Bình Khánh có hơn 400 căn hộ có người ở, số tiền quản lý thu được là quá ít so với con số phải bỏ ra để quản lý, bảo trì… nên đơn vị quản lý phải xin thêm ngân sách để thực hiện công tác này thường xuyên.
Để khai thác các căn hộ bỏ trống, bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhanh chóng thu hồi vốn cho các tổ chức tín dụng, tránh lãng phí và giảm gánh nặng cho Ngân sách, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP.HCM quyết định điều chỉnh mục tiêu sử dụng 5.626 căn hộ còn lại trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư.
Các lô do Công ty Thuận Việt và Đức Khải làm chủ đầu tư không bán đấu giá |
Riêng với khu 38,4 ha Bình Khánh, ngoại trừ 1.330 căn hộ lô R8, R9 (có tên New City) bị Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Việt thay đổi thiết kế sang căn hộ thương mại và 1.080 căn hộ lô R6, R7 của Công ty Đức Khải từng công khai giá bán từ 6,6 triệu đồng/m2 đến 24,8 triệu đồng/m2, thì thành phố vào năm 2017 đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP) tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình thi công trên đất đối với các lô còn lại để chuyển sang nhà thương mại.
Theo đó, tổng số căn hộ chung cư được đem phân phối bán đấu giá là 3.790 căn, được chia thành hai phần: các lô R1, R2, R3 của Liên danh Vietinbank làm chủ đầu tư, gồm 2.220 căn hộ, giá khởi điểm khoảng 5.619 tỷ đồng; các lô R4, R5 của Liên danh Vietacimex làm chủ đầu tư, gồm 1.570 căn hộ, giá khởi điểm 3.534 tỷ đồng. Nếu được bán hết với giá khởi điểm, TP sẽ thu về hơn 9.000 tỷ đồng, trung bình 2,4 tỷ đồng/căn.
Số tiền quá lớn nên không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá. |
Đấu giá bất thành, đề xuất chuyển thành nhà ở xã hội
Theo phương án đã được chấp thuận của Sở Tài nguyên Môi trường, do các lô đất này có giá trị lớn, mục đích đấu giá không phải để ở mà để phục vụ kinh doanh bất động sản, nên đối tượng tham gia đấu giá phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Vào năm 2017, thành phố tổ chức đấu giá lần đầu với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng. Năm 2018, đấu giá lần thứ hai có mức giá khởi điểm là 9.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai lần đều thất bại vì không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ tham gia. Đến tháng 8/2019, thành phố tiếp tục có động thái tổ chức đấu giá lần thứ ba với giá khởi điểm lần này được nâng lên mức gần 10.000 tỷ đồng.
Lý do thất bại là khi nhà đầu tư mua phải đặt cọc 20% so với giá khởi điểm, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày, trong trường hợp chậm thanh toán thì bị phạt 0,05%/ngày. Với quy định này, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ năng lực tài chính để tham gia.
Nhà bỏ hoang, có dấu hiệu xuống cấp nhưng thành phố đưa ra giá bán rất cao nên việc các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà. |
Ngoài ra, các căn hộ này là hàng “ế”, người dân không ở, bỏ hoang nhiều năm qua, có dấu hiệu xuống cấp nhưng thành phố đưa ra giá bán rất cao nên việc các doanh nghiệp bất động sản không mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, trên thị trường, giá căn hộ chung cư hiện nay chỉ khoảng dưới 2 tỷ/căn. Các dự án mới này có chất lượng tốt, đầy đủ tiện ích và không mang danh là nhà ở tái định cư.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, việc đấu giá hàng ngàn căn nhà tái định cư để chuyển sang nhà thương mại là vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện tại bởi các chính sách và tình hình dịch bệnh trong năm 2020 khiến kinh tế đang lao đao.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM nêu quan điểm, thành phố nên dành 1/3 hoặc 1/4 số căn hộ cần bán để đấu giá từng căn, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu thật mua nhà.
Các chuyên gia đề nghị chuyển thành nhà ở xã hội, hoặc chia nhỏ ra để đấu giá. |
Đối với các dự án tại khu 38,4 ha Bình Khánh, các chuyên gia đề nghị chuyển thành nhà ở xã hội để người dân có thu nhập trung bình có thể tiếp cận mua nhà giá rẻ. Ông Châu cũng đồng quan điểm này, kiến nghị, nhà nước nên chuyển quỹ nhà tái định cư trên sang nhà ở xã hội, đồng thời phải kiểm tra lại chất lượng của những căn hộ này trước khi bán cho người dân.
Về lâu dài, các chuyên gia cho biết, chính sách tái định cư nên được thực hiện theo ba phương thức là: tái định cư tại chỗ, tái định cư dự án khác và nhận tiền tự lo chỗ ở mới, trong đó ưu tiên tái định cư tại chỗ. Như vậy sẽ khắc phục được những bất cập như hiện nay.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tác động đến số thu ngân sách nhà nước năm 2020. Theo Bộ Tài chính, ước năm 2020 thu ngân sách nhà nước giảm 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán 1.323,1 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%). Có lẽ, TP.HCM nên nghĩ đến các giải pháp mới để giải cứu các căn hộ đang bỏ hoang này, thu hồi hàng nghìn tỷ đồng “phơi nắng” nhiều năm qua.